Chương trình “Tiến về phía trước” được triển khai từ năm 2023 - 2028 trên địa bàn 15 xã thuộc các huyện: Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị); Đà Bắc, Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình); Xín Mần, Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).
Chương trình được 3 tổ chức cùng thực hiện gồm: Plan International Việt Nam, Care quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC).
Giai đoạn 2023 - 2024, chương trình đã được triển khai đồng bộ ở 6 huyện thuộc 3 tỉnh ở địa bàn khó khăn là Hà Giang, Hòa Bình và Quảng Trị và đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Trước hết, 26 nhóm cộng đồng với 204 thành viên đã được nâng cao năng lực để thực hiện 26 công trình vi mô, gồm: Đường liên thôn, đường nội thôn, công trình cấp nước sinh hoạt về các thôn bản, nhà văn hóa, đường điện, hệ thống chiếu sáng đường nông thôn bằng đèn năng lượng mặt trời…
Cùng với đó, 10 xã đã được hỗ trợ nâng cao năng lực và triển khai kế hoạch ứng phó quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Hơn 7.600 giáo viên và học sinh của 15 trường học đã được trang bị kiến thức, kỹ năng và kiện toàn cơ sở vật chất để ứng phó với rủi ro thiên tai thông qua mô hình “Khung trường học an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu”;
1.074 phụ nữ nghèo và người khuyết tật được nâng cao năng lực, hỗ trợ nguồn vốn, vật tư để thực hiện các kế hoạch kinh doanh và bắt đầu sản xuất thặng dư để có thêm thu nhập phục vụ cuộc sống và tiết kiệm;
Hơn 6.900 người dân ở 12 xã dự án tham gia 178 sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế.
Ngoài ra, hơn 33.000 cá nhân đã được truyền thông về các mô hình, phương pháp tiếp cận và thông điệp bình đẳng giới của chương trình qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và LinkedIn.
Nhận thấy những tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đối với Việt Nam nói chung và vùng triển khai chương trình nói riêng, các tổ chức thực hiện chương trình dự kiến thay đổi phương pháp tiếp cận trong quá trình triển khai cho giai đoạn 2024 - 2028.
Theo đó, trên cơ sở tiếp tục duy trì các mảng hoạt động chính, chương trình “Tiến về phía trước” sẽ đồng thời tiến hành đánh giá lại từ góc độ rủi ro biến đổi khí hậu trên những địa bàn nơi triển khai, để từ đó có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp.
Kết quả của quá trình đánh giá sẽ được sử dụng làm cơ sở cho việc thiết kế các hoạt động, lập kế hoạch và thực hiện chương trình ở 15 xã, 6 huyện ở 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Quảng Trị trong giai đoạn tiếp theo.
Chia sẻ tại cuộc họp tổng kết chương trình “Tiến về phía trước” giai đoạn 2023 - 2024 và lấy ý kiến đóng góp cho chương trình giai đoạn 2024 - 2028 do UBND tỉnh Hà Giang, bà Lê Quỳnh Lan, Quyền Giám đốc quốc gia của tổ chức Plan Việt Nam cho biết: “Các cộng đồng dễ bị tổn thương như phụ nữ nghèo, trẻ em, người già, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và miền núi đang trở nên dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây.
Các can thiệp của chương trình “Tiến về phía trước” sẽ hỗ trợ các cộng đồng có kiến thức và kỹ năng để có thể thích ứng tốt hơn và giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của họ”.
Với sự định hướng rõ ràng cho giai đoạn 2024 - 2028, chương trình "Tiến về phía trước" hứa hẹn mang lại những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo nên những thay đổi bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tương lai bền vững và an toàn hơn cho mọi người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Nguyễn Síu
Báo Lao động và Xã hội số 137