Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Xung đột và biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Xung đột vũ trang cướp đi cơ hội học tập, sự an toàn, buộc hàng triệu trẻ em phải rời bỏ nhà cửa, đối mặt với bạo lực, suy dinh dưỡng và sang chấn tâm lý.

Bên cạnh đó, các thảm họa tự nhiên gia tăng đã làm gián đoạn giáo dục và đe dọa sức khỏe của trẻ em. Những khủng hoảng kép này đẩy trẻ em vào tình trạng nguy hiểm và dễ bị tổn thương, đòi hỏi hành động khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế.

Xung đột vũ trang tước đi quyền trẻ em

Xung đột vũ trang là một trong những rủi ro lớn đối với quyền, cuộc sống và phúc lợi của trẻ em trên toàn thế giới. 

Xung đột và biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em - 1

Phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại các vùng lãnh thổ Palestine, Jonathan Crickx đã nói với Hãng thông tấn AFP về hoàn cảnh khốn cùng của trẻ em ở Dải Gaza.

Những đứa trẻ đã không được đi học một ngày nào kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023. Theo đó, khoảng 625.000 trẻ em không được đến trường.

Hầu hết trẻ em mà ông Jonathan Crickx nhìn thấy ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiến tranh tàn phá đều đang giúp đỡ gia đình vì chúng không còn được đến trường nữa. Hiện trên khắp Dải Gaza, không có một trường học nào hoạt động và 85% các tòa nhà trường học đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh Israel - Hamas.

Giám đốc điều hành UNICEF, bà Catherine Russell, ngày 6/10/2024 đã cảnh báo rằng, trẻ em ở Gaza sẽ phải đối mặt với những di chứng có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau. Phát biểu trên kênh truyền hình CBS News, bà Catherine Russell nói rằng: “Nếu bạn thực sự nhìn Gaza qua con mắt của một đứa trẻ, thì đó là một cảnh tượng địa ngục”.

Các cơ quan Liên hợp quốc cho biết, trẻ em tại Dải Gaza đang chết trong đau đớn vì thiếu các hoạt động cấp cứu. Ngay cả khi phép màu xảy ra và may mắn sống sót sau nhiều cuộc oanh kích, thì nhiều trẻ em vẫn gặp trở ngại do không thể rời khỏi dải đất ven Địa Trung Hải này để có thể tiếp cận các dịch vụ y tế cứu mạng sống của các em.

Thống kê của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), chiến tranh đã khiến một số trẻ em ở Dải Gaza rơi vào cảnh mồ côi, chịu thương tật về cả thể chất lẫn tâm lý, không ít trẻ bị khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, chán ăn, rụng tóc, thậm chí là ngừng nói chuyện.

Dải Gaza chỉ là một trong những điểm nóng xung đột vũ trang đang diễn ra hiện nay trên thế giới. Theo Báo cáo Chỉ số Hòa bình toàn cầu (GPI) năm 2024, các cuộc xung đột đang trở nên quốc tế hóa hơn, với hơn 90 quốc gia hiện đang tham gia vào một cuộc xung đột vượt ra ngoài biên giới của họ. Và ở đâu đó, những tiếng khóc trẻ thơ đang vang lên trong vô vọng.

Trẻ em là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng khí hậu

Xung đột và biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em - 2
Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tham gia Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA). 

Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới 2024 của UNICEF vừa mới công bố tháng 11 cho biết: “Gần một nửa số trẻ em trên thế giới, khoảng 1 tỷ người, sống ở các quốc gia có nguy cơ cao về khí hậu và các mối nguy hiểm môi trường.

Trong bối cảnh bất ổn khí hậu, sụp đổ đa dạng sinh học và ô nhiễm lan rộng, các mối đe dọa đang gia tăng trên toàn cầu. Trẻ em đang phải đối mặt với một môi trường nguy hiểm, khó lường hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó”.

Ô nhiễm không khí đặc biệt có hại cho trẻ em. Tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe và sự phát triển hệ hô hấp của trẻ em có thể kéo dài suốt đời. Nhiệt độ tăng làm tăng số lượng muỗi, lây lan các bệnh như: Sốt rét, sốt xuất huyết và Zika.

Lũ lụt làm ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến các bệnh lây truyền qua đường nước, là nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi. Thời tiết khắc nghiệt hạn chế sản xuất và khả năng có được thực phẩm, làm tăng nguy cơ mất an ninh lương thực của trẻ em. Các thảm họa liên quan đến khí hậu cũng có thể gây ra cảm giác bất lực, buồn bực và lo lắng ở trẻ em.

“Từ năm 2022, 400 triệu học sinh trên khắp thế giới đã trải qua tình trạng đóng cửa trường học do thời tiết khắc nghiệt. Ngoài việc vi phạm quyền trẻ em, việc gián đoạn học tập còn cản trở sự phát triển kinh tế. Các mối nguy hiểm về khí hậu và môi trường cũng khiến trẻ em phải di dời khỏi nhà.

Từ năm 2016 đến năm 2023, 62,1 triệu trẻ em đã phải di dời trong nước do lũ lụt, bão, hạn hán, cháy rừng và các sự kiện thời tiết khác” - đây là những con số đáng báo động về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới trẻ em trên toàn thế giới theo các nghiên cứu của UNICEF.

Tháng 3/2024, UNICEF cho biết, có khoảng 45 triệu trẻ em ở Đông và Nam châu Phi phải hứng chịu nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra đồng thời do biến đổi khí hậu, gồm dịch tả, suy dinh dưỡng, hạn hán và lũ lụt. Hiện tượng El Nino sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Giám đốc UNICEF khu vực Đông và Nam châu Phi, Eva Kadilli, nhấn mạnh khủng hoảng khí hậu gây ra mối đe dọa thực sự đối với trẻ em và cộng đồng trong khu vực. 

Còn tại khu vực Đông Nam Á, lũ lụt và sạt lở đất do cơn bão Yagi gây ra (tháng 9/2024) đã tàn phá Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan, gây ảnh hưởng đến gần 6 triệu trẻ em và làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và chỗ ở của các em - khiến các cộng đồng vốn đã bị thiệt thòi càng lún sâu vào khủng hoảng.

Trong khi đó, WHO cũng chỉ ra rằng, các bệnh dịch như sốt rét và tiêu chảy đang gia tăng do nhiệt độ tăng cao và điều kiện vệ sinh kém sau các thảm họa thiên nhiên.

Bảo vệ trẻ em trước xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu

Khi xung đột vũ trang xảy ra, nhiều trẻ em đã bị cuốn vào và đối mặt với bạo lực, bất an. Các em không được đến trường, không được chăm sóc y tế cũng như đảm bảo một nơi ở an toàn và buộc phải cầm súng.

Trong bối cảnh tình trạng vi phạm quyền trẻ em tiếp diễn tại nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới, UNICEF đã kêu gọi thế giới tăng cường các nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi những đau thương, mất mát do các cuộc chiến gây ra.

UNICEF kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột cam kết thực hiện các kế hoạch hành động cụ thể để bảo vệ trẻ em như ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền trẻ em, giải phóng trẻ em khỏi các nhóm vũ trang, chấm dứt các cuộc tấn công vào bệnh viện và trường học... 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng khẳng định: “Xung đột không phải là nơi dành cho trẻ em và chúng ta không được để xung đột chà đạp lên quyền trẻ em”. 

Còn đối với vấn đề khủng hoảng do biến đổi khí hậu, UNICEF kêu gọi các quốc gia cần hành động ngay lập tức để giảm lượng khí thải, chuyển đổi sang năng lượng sạch và thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chính phủ và cộng đồng toàn cầu phải ưu tiên sức khỏe của trẻ em trong việc xây dựng các chính sách về khí hậu và hành động để bảo vệ tương lai của trẻ em.

Hiện nay, Liên hợp quốc, UNICEF, Hội Chữ thập đỏ và một số tổ chức quốc tế khác đang nỗ lực kêu gọi các bên ngừng bắn và tạo điều kiện để các tổ chức cứu trợ có thể viện trợ nhân đạo đến tay trẻ em.

Ngọc Anh

Ấn phẩm Vì trẻ em số 24