Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Biến đổi khí hậu thách thức công tác giảm nghèo

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thời tiết ngày càng bất thường. 2023 ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu và là năm thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam.

Nhiệt độ cao nhất Việt Nam từ trước tới nay đã xuất hiện với trị số 44,2 độ ở Bắc Trung bộ. Tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, tạo ra những thách thức trong công tác giảm nghèo.

Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan

Đầu năm 2023, các trận mưa đá liên tiếp trút xuống nhiều địa bàn ở các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Sơn La… gây nhiều thiệt hại về tài sản và cây trồng của nông dân.

Cụ thể, trận mưa đá ngày 28/3 tại Hà Giang khiến 1.291 ngôi nhà tại các xã của huyện Yên Minh và một số xã tại huyện Mèo Vạc bị hư hỏng mái. Trên 273ha ngô, hoa màu bị thiệt hại do mưa đá.

Mua da.jpg
Mưa đá xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại hoa màu, nhà cửa.

Còn tại Sơn La, trận mưa đá ngày 24/4 trên địa bàn xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ) đã tàn phá hơn 550ha hoa màu và gây hư hỏng hơn 30 ngôi nhà. Trước đó, trận mưa đá xảy ra ở xã Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) gây thiệt hại khoảng 1,5ha hoa màu của người dân.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ngày 23/4 cho biết, châu Á vẫn là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do biến đổi khí hậu. Theo đó, lũ lụt và bão gây ra số thương vong và thiệt hại kinh tế cao nhất tại châu Á trong khi tác động của các đợt nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn.

Năm 2023, tổng cộng có 79 thảm họa liên quan đến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm. Trong số này, hơn 80% liên quan đến lũ lụt và bão, với hơn 2.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

Từ đầu năm đến nay, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như: Rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài với nền nhiệt thấp ở đồng bằng, vùng núi cũng như nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở đồng bằng sông Cửu Long, mưa đá liên tiếp xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc.

Những năm tới, biến đổi khí hậu được dự báo tiếp tục diễn ra nhanh với mức tăng nhiệt độ trung bình năm khoảng 2,2 độ C và lượng mưa có xu thế tăng với mức phổ biến từ 6 đến 12%.

Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục là yếu tố chính đóng góp cho sự gia tăng của thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, ngập lụt và trượt lở đất đá.

Thách thức trong giảm nghèo

Phát biểu tại hội thảo "Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết: "Thiên tai, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như môi trường toàn cầu, trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất".

Ước tính 20 năm qua, tại Việt Nam, các loại thiên tai đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 6,4 tỷ USD. Mỗi năm, trung bình thiên tai làm 400 người chết và mất tích. 7 - 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới mỗi năm cũng gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1 - 1,5% GDP…

“Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của lao động trong hầu hết ngành kinh tế.

Tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực trợ giúp xã hội khá trực tiếp, thiệt hại về tài sản và con người tăng. Từ đó, nhu cầu trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên tăng lên, làm gia tăng chi phí trợ giúp xã hội đột xuất…”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), tại khu vực miền núi phía Bắc, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng tới công cuộc xóa đói giảm nghèo, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Giai đoạn 2010 - 2020, tổng thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai ở khu vực này lên tới hơn 16.000 tỷ đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, xét theo các vùng, trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất, chiếm 18,2%. Trong đó, riêng 10 tỉnh miền núi phía Bắc có tổng số hộ nghèo và cận nghèo đa chiều là hơn 465.000 hộ.

Biến đổi khí hậu gây ra những tác động khác nhau đối với phụ nữ và nam giới. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 80% số người chịu các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu là phụ nữ.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, số phụ nữ và trẻ em tử vong bởi các thảm họa thiên nhiên cao hơn 14 lần so với nam giới.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm giảm chất lượng nước và trữ lượng nước sạch, nguy cơ gia tăng bệnh truyền nhiễm và đây chính là các yếu tố đe dọa sức khỏe sinh sản, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc bà mẹ và trẻ em.

Phương Anh

  Báo Lao động Xã hội số 57