Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Đồng hành cùng người nghèo, tập trung mở rộng sinh kế

Phóng viên
Phóng viên

“Hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ địa bàn nghèo, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn với phương châm xuyên suốt: Hỗ trợ đúng nơi, đúng cách, đúng đối tượng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long thông tin.

Theo ông Long, việc hỗ trợ cần tập trung mở rộng sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã họi cơ bản, thiết yếu cho người nghèo, chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

“Cần phải biết các địa phương và người dân cần gì và nhu cầu bức thiết ra sao để xây dựng được những mô hình trọng tâm, trọng điểm, đạt được hiệu quả cao hơn nữa”, ông Long chia sẻ thêm.

Kỳ Sơn, hỗ trợ bò.jpg
Hỗ trợ bò cho các hộ nghèo huyện  Kỳ Sơn, Nghệ An (Ảnh: Gia Khánh)

 

Năm 2023,  toàn ngành LĐ-TB&XH Nghệ An đã nỗ lực, chủ động, linh hoạt, khắc phục khó khăn, tập trung triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả, toàn diện trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đặc biệt là trong công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. 

Nghệ An đề ra mục tiêu năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2-3%.

Theo ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, năm 2024, tỉnh Nghệ An lên kế hoạch hỗ trợ 95,672 tỷ đồng để xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. 

Ngành chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng. Trong đó, chi trả trợ cấp thường xuyên cho 66.500 đối tượng với số tiền chi trả trên 153 tỷ đồng/tháng. 

Toàn tỉnh hiện quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 157.923 đối tượng, 1.166 đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Ngành tập trung tham mưu thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; tiến độ giải ngân nguồn vốn đạt kết quả tích cực.

Bên cạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo của Trung ương, địa phương đã tích cực, chủ động trong việc xây dựng và phát triển mô hình giảm nghèo bền vững tại cơ sở, khẳng định hiệu quả. Luôn đồng hành cùng người nghèo, không để ai ở lại phía sau.

Trong những năm qua, thông qua các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc của cộng đồng xã hội và nỗ lực vươn lên của chính người dân, sinh kế cũng như thu nhập của các hộ nghèo đều được cải thiện và đời sống được nâng lên.

Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thì Nghệ An vẫn còn 76 xã thuộc khu vực III, 38 thôn, bản đặc biệt khó khăn, và theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022, tỉnh còn 4 huyện nghèo (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu). 

Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,19%, riêng các huyện miền núi còn 12,45%.

Được biết, năm 2023, ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 512,480 tỷ đồng; toàn tỉnh giảm được khoảng 1,2% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó vùng miền núi giảm 2,2%. 

 

Thông qua các nguồn vốn thực hiện chương trình, tỉnh xây dựng được 9 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho 702 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. 

 

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ xây mới 870 căn nhà cho 868 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo; sửa chữa 100 căn nhà cho 86 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo...

 

Gia Khánh