Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Thanh Hóa: Đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thực hiện dự án Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế, giúp người dân giảm nghèo hiệu quả.

Tính đến hết tháng 6, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai được 320 dự án, gồm: 21 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 299 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.

Các loại hình dự án chủ yếu tập trung vào chăn nuôi với 302 mô hình như chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt... Có 12 dự án trồng trọt, chủ yếu là cây dược liệu, cây ăn quả và 6 dự án nuôi cá lồng.

Từ việc thực hiện dự án, đã có 11.101 gia đình được hưởng lợi. Trong đó có 5.409 hộ nghèo, 311 hộ người khuyết tật, 4.202 hộ cận nghèo, 675 hộ mới thoát nghèo, 504 hộ dân khác, 2.323 hộ là người dân tộc thiểu số, 1.062 hộ có phụ nữ là chủ hộ…

A2.jpg
Bò giống từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo hỗ trợ hiệu quả cho nhiều người dân vươn lên phát triển kinh tế.

Ông Hà Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Ban Công, huyện Bá Thước cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ nguồn vốn trung hạn và vốn được giao hằng năm, xã đã triển khai thực hiện 6/7 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Việc tập trung đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tiếp cận được các chính sách, tạo nền tảng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo…”.

Là một trong 34 hộ được nhận bò giống theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình gảm nghèo, chị Lò Thị Nga (thôn Ba, xã Ban Công) chia sẻ: "Cuối năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò giống và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ, cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc bò… Hiện bò sinh trưởng, phát triển rất tốt".

Được nhận hỗ trợ một con trâu sinh sản từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, chị Lộc Thị Vân (xã Tân Thành, huyện Thường Xuân) cho biết: “Cuối năm 2023, gia đình tôi được nhận một con trâu sinh sản, trị giá 18 triệu đồng (gia đình đối ứng 2 triệu đồng).

Sau khi nhận trâu về, tôi chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y để trâu phát triển, sinh sản tốt. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, trâu lớn nhanh. Cứ đà này, không lâu nữa trâu sinh sản sẽ tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Ngoài chị Vân, còn hơn 100 hộ dân khác trên địa bàn xã Tân Thành đã nhận hỗ trợ trâu sinh sản đều phấn khởi bởi chính sách nhân văn này. Các hộ dân tham gia cho rằng mô hình này rất phù hợp vì có thể sử dụng nguồn lao động các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi, công việc chăm sóc đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. 

“Xã Tân Thành  có 367 hộ nghèo, 662 hộ cận nghèo. Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước để người dân nắm rõ điều kiện được hỗ trợ. Xã đã có 162 hộ (123 hộ nghèo, 39 cận nghèo) được hưởng chính sách và được nhân dân đồng tình, nhất trí cao…”, ông Cầm Thanh Xứng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành chia sẻ.

Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2024, dự kiến hộ nghèo giảm 15.000 hộ, tương ứng giảm 1,5%; hộ cận nghèo giảm 10.000 hộ, tương ứng giảm 1%. Giai đoạn 2022 - 2024, dự kiến giảm 47.350 hộ nghèo so với đầu giai đoạn (đầu năm 2022: 67.864 hộ nghèo).

Quách Tuấn

Báo Lao động và Xã hội số 82

Tin liên quan