Nâng tầm giá trị sản phẩm bản địa
Thời gian qua, trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử TikTok, sản phẩm miến dong thái tay sợi to của tài khoản Sùng Thị Bầu vô cùng “hot” với gần 100.000 lượt mua.
Sống tại vùng cao cách TP Điện Biên 30km, chị Sùng Thị Bầu dùng TikTok để đăng tải video chia sẻ cuộc sống thường ngày về con người, văn hóa nơi đây. Sau một thời gian lập kênh, Sùng Thị Bầu nhận được nhiều ủng hộ và yêu thích của người dùng TikTok.
Nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm miến dong sợi to bản địa, hai vợ chồng bắt tay xây dựng kênh theo hướng kinh doanh bằng cách mở gian hàng trên sàn điện tử, đăng sản phẩm, quay video giới thiệu sản phẩm…
Sản phẩm ban đầu được mọi người mua với lý do “ủng hộ”, sau đó thì thành yêu thích vì vị ngon và lạ miệng của món miến dong sợi to. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm miến dong sợi to bản địa của vợ chồng Sùng Thị Bầu trở thành mặt hàng “hot” trên nền tảng TikTok.
Nhận biết vào dịp tết, các sản phẩm truyền thống của Tây Bắc rất hút khách, chị Mai Huyền Trang (dân tộc Thái tại xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) đã tận dụng mạng xã hội để livestream các công đoạn làm các món ăn truyền thống của dân tộc mình.
Các sản phẩm như: Lạp xưởng xông khói, trâu gác bếp, chẩm chéo… Các livestream không chỉ thu hút người xem mà qua đó chị đã bán được hàng nghìn đơn hàng với hàng tấn sản phẩm trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Còn chị Lý Thị Quyên (dân tộc Dao) đã thành lập hợp tác xã với 15 thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số để phát triển và lan tỏa văn hóa sử dụng dược liệu từ cây cỏ, văn hóa thổ cẩm của đồng bào Dao tại Bắc Kạn.
Đến nay, hơn 100 sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt trên hầu hết sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Chảo Thị Yến (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cũng là cái tên được nhiều người biết đến trên mạng xã hội bởi những video kể lại nhiều câu chuyện thú vị của cộng đồng người Dao Tuyển về ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán, cuộc sống hàng ngày của miền sơn cước… để quảng bá những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nhận thấy tiềm năng từ các nền tảng xã hội, ngày 10/7/2023, Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong đã ra đời. Đây là kết quả của quá trình “thai nghén” trong hành trình gắn bó của Chảo Thị Yến cùng bà con, bản làng hướng tới mục tiêu đẩy mạnh thương mại các sản phẩm của người Dao.
Chảo Thị Yến đã hướng dẫn các nhóm nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số bước đầu tiếp cận với nền tảng bán hàng số. Từ những việc nhỏ, nhờ biết cách tận dụng công nghệ số, cô gái dân tộc Dao đã mang về lợi nhuận kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng tại địa phương.
Kết nối phụ nữ dân tộc với chuyển đổi số
Thị trường thương mại điện tử đang tăng trưởng rất mạnh. Việc tham gia thị trường thương mại điện tử được coi là xu thế không nên bỏ qua.
Đối với phụ nữ dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, thương mại điện tử giúp kết nối nhà sản xuất với người mua, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Giờ đây, việc đưa sản phẩm lên các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo bền vững.
Đây cũng là lý do để chương trình đào tạo “Empower Her Tech - Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ trẻ khởi nghiệp” do UNDP phối hợp cùng Alobase tổ chức, nhằm nâng cao kỹ năng số cho nữ doanh nhân trẻ và phụ nữ 18-35 tuổi có ý tưởng khởi nghiệp.
Thời gian tới, “Empower Her Tech” hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nhân trẻ là phụ nữ, hỗ trợ lan tỏa và thúc đẩy phong trào áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tích cực triển khai thực hiện, qua đó hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số;
Chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần để phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất và sản phẩm, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo...
Minh Châu