Kỷ niệm hành trình nhân ái 20 năm của báo Dân trí, đồng thời tri ân các nhà hảo tâm đã đồng hành lan tỏa yêu thương tới cộng đồng, “Gala Nhân ái 2024” diễn ra vào tối 11/4, còn là dịp chia sẻ những đổi mới mạnh mẽ của chương trình Nhân ái trong chặng đường sắp tới.
5 họa sĩ góp tranh đấu giá
Theo ban tổ chức, sẽ có 5 họa sĩ góp tranh đấu giá để xây dựng 20 căn nhà cho 20 mảnh đời tại Gala Nhân ái 2024.
Chương trình đấu giá tranh sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 11/4, với những bức tranh độc đáo, giá trị từ 5 họa sĩ gồm: Họa sĩ Hùng Rô (Nguyễn Mạnh Hùng), họa sĩ Khổng Đỗ Duy, họa sĩ Chu Viết Cường, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng và họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố).
Phần lớn số tiền thu được từ các phiên đấu giá (trừ đi các chi phí đã thỏa thuận với họa sĩ, chi phí vận chuyển) sẽ được ban tổ chức thực hiện chương trình "Nhân ái 20 năm - 20 căn nhà nâng bước tương lai".
"Các hoàn cảnh được hỗ trợ được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên xác nhận từ chính quyền địa phương. Mỗi sự sẻ chia qua hình thức đấu giá tranh không chỉ giúp chúng ta có cơ hội sở hữu một tác phẩm nghệ thuật giá trị mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần mang đến tương lai tươi sáng hơn cho những hoàn cảnh khó khăn”, đại diện ban tổ chức cho hay.
Các bức tranh tham gia đấu giá có tác phẩm "Những câu chuyện nhỏ 05" của họa sĩ Nguyễn Minh nằm trong chuỗi sáng tác về đề tài di sản văn hóa Việt. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ nét văn hóa kiến trúc làng Cựu thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội - một ngôi làng có kiến trúc độc đáo là sự kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây.
Về tác phẩm, Minh Phố cho biết: “Mượn hình ảnh là những đám mây phiêu du khắp mọi miền và kể những câu chuyện về văn hóa Việt. Để cùng lan tỏa, lưu giữ và nhắc nhở các thế hệ cùng gìn giữ, kế thừa và phát triển những nét văn hóa đó”.
Họa sĩ Hùng Rô yêu thích nỗi cô đơn giữa thiên nhiên hùng vĩ, như hòa vào dòng chảy tĩnh lặng và bình yên của núi rừng, biển cả. Chính phong cách sống này đã giúp anh sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật chạm vào suối nguồn bên trong mỗi người, ấy là sự rỗng lặng.
Nhìn vào những bức tranh của Hùng Rô, ta thấy được sự tự nhiên và uyển chuyển. Phong cảnh trong tranh Hùng Rô mang màu sắc tối giản nhưng cấp độ sắc đậm - nhẹ được anh ứng dụng thật mềm mại để từ đó mang đến một cảm quan cảnh vật vừa nông vừa sâu, vừa xa vừa gần... nhưng điểm chung vẫn là gợi mở ra một thế giới thênh thang vô tận.
Họa sĩ Khổng Đỗ Duy sinh năm 1987 tại Vĩnh Phúc. Anh có hơn 10 năm gắn bó với hội họa, với những tác phẩm tham dự rất nhiều triển lãm trong nước và quốc tế.
Các tác phẩm của Khổng Đỗ Duy là những câu chuyện dài về quá khứ pha một chút hiện đại được khoác lên một lớp màu tươi mới, rộn ràng, mang đến cho người xem một cái nhìn mới mẻ về những không gian hoài niệm xa xôi nhưng tích cực.
Họa sĩ Chu Viết Cường đã nổi danh với lối vẽ sơn mài hiện thực, vẫn là di sản với Khuê Văn Các, vẫn là các cổng làng, vẫn là các làng mạc nơi miền sơn cước nhưng mang lại cho công chúng một góc nhìn vừa quen mà lạ, gần gũi mà sang trọng.
Không chỉ phô diễn kỹ thuật, bố cục, họa sĩ Chu Viết Cường còn mang cả câu chuyện văn hóa vào trong tác phẩm. Các chi tiết ẩn hiện qua các lớp sơn trong những tác phẩm đã tạo nên hiệu ứng về “dòng hiện thực” mang tên Chu Viết Cường.
Và bức tranh thứ 5 là của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng có hơn 15 năm nghiêm túc, miệt mài trong công việc sáng tạo nghệ thuật. Chặng đường đó, anh có rất nhiều triển lãm nhóm đến các triển lãm cá nhân trong nước và quốc tế.
Hơn 10 năm qua, Nguyễn Thế Hùng gắn bó với việc sáng tạo trên chất liệu sơn mài trên toan - một kỹ thuật mới lạ có ít nghệ sĩ thực hành.
Những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng vừa vị nghệ thuật vừa thấm đẫm vị nhân sinh. Mỗi tác phẩm là một thế giới nhỏ có sự xuất hiện của các nhân vật khác nhau và thầm thì những câu chuyện riêng.
Đứng giữa triển lãm - thế giới lớn bao chứa những câu chuyện và hình bóng ấy, người xem được chu du trong không gian siêu thực giữa cái cũ và cái mới, đâu đó có sự chênh vênh và xung đột giữa những ý niệm lịch sử truyền thống và hiện đại.
Với quan điểm đỉnh cao của nghệ thuật không chỉ là việc tạo ra những tác phẩm đẹp mắt, mà còn là “nghệ thuật vị nhân sinh”, nghệ thuật hướng tới con người và xã hội, vì thế tại đêm Gala, hoạt động đấu giá tranh với mong muốn chung tay cùng các đối tác, Mạnh thường quân thực hiện chương trình "Nhân ái 20 năm - 20 căn nhà nâng bước tương lai".
20 năm: Hơn 5.000 hoàn cảnh, 126 công trình nhân ái…
Ra đời vào tháng 12/2004, Chương trình Nhân ái với sứ mệnh là “Kết nối yêu thương, sẻ chia hi vọng” đã và đang ngày ngày góp phần đánh thức, khơi dậy lòng trắc ẩn và tình yêu thương đồng bào từ sâu thẳm trong trái tim mỗi con người trong xã hội.
Chương trình hướng đến mục tiêu giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, bệnh nhân nghèo...
Trải qua hai thập niên, hoạt động của Chương trình Nhân ái đã trở thành cầu nối yêu thương, mang đến sự hỗ trợ thiết thực cho hàng ngàn mảnh đời bất hạnh trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Tính đến nay đã có hơn 5.000 hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội được bạn đọc, các nhà hảo tâm giúp đỡ với kinh phí hàng năm từ 50 đến 60 tỉ đồng.
Và trên chặng đường 20 năm ấy, bên cạnh những nỗ lực bền bỉ làm nhịp cầu nối tấm lòng của bạn đọc đến những hoàn cảnh khó khăn, Chương trình Nhân ái đã xây dựng được 126 công trình nhân ái.
Trong đó, 48 công trình là phòng học, điểm trường; 18 công trình cầu dân sinh ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. 50 công trình là những nhà phao chống lũ tại 2 xã Tân Hoá và Minh Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình. Tổng trị giá các công trình lên đến hàng chục tỉ đồng.