Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Những người bắc nhịp cầu yêu thương

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trong Hành trình Nhân ái 20 năm của báo Dân trí, bằng tấm lòng trách nhiệm với cộng đồng, tâm huyết với nghề, những phóng viên chuyên mục Nhân ái đã góp phần không nhỏ gây dựng nên tên tuổi của báo Dân trí trong lòng bạn đọc suốt 2 thập kỷ qua. Họ là những người bắc nhịp cầu nối yêu thương.

Mang cả con 4 tháng tuổi đuổi theo nhân vật  

Hẹn gặp Hương Hồng, nữ phóng viên chuyên mục Nhân ái của báo Dân trí thực sự rất khó. Lúc thì cô bảo, “em đang ở bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân”, khi lại là chuyến công tác đến một tỉnh nào đó gặp gỡ đối tượng cần hỗ trợ.

Hồng cho biết, không giống như phóng viên các mảng khác, đôi khi chỉ cần có thông tin là có thể lên bài, phóng viên Nhân ái có đặc thù riêng, phải tiếp xúc trực tiếp với nhân vật, phải đến tận nơi để xác minh… và vì thế, “nhật ký hành trình” của một phóng viên Nhân ái luôn là những chuyến đi.

IMG-5665.JPG
Phóng viên Hương Hồng tiếp cận với nhân vật cần hỗ trợ. (Ảnh: NVCC).

Hỗ trợ rất nhiều bệnh nhân nặng có hoàn cảnh khó khăn nên Hồng thường xuyên có mặt tại Khoa hồi sức tích cực của các bệnh viện. Tiếp xúc trực tiếp với những nguồn lây nhiễm bệnh tật, nguy cơ nguy hại đến sức khỏe đối với phóng viên hiện hữu.

Nhưng khi được hỏi “vào đó có sợ lây không” thì cô vẫn cười bảo “Sợ thì vẫn phải vào chị ạ, vì không vào thì làm sao gặp gỡ, tiếp cận được với người cần được hỗ trợ. Kể cả trong thời gian “giới nghiêm” dịch Covid-19 thì phóng viên nhân ái vẫn phải đến tận nơi để tiếp cận nhân vật”.

Trong “hành trình nhân ái” của Hồng có những chuyến đi không thể nào quên như trường hợp hỗ trợ cháu bé người dân tộc thiểu số ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) bị ung thư máu.

Khi tiếp nhận thông tin từ Viện Huyết học, phóng viên chưa kịp đến thì gia đình đã đi nhờ xe tải quay về vì không có tiền chữa bệnh. Thế là phóng viên cũng phải bắt xe đi luôn Cao Bằng bởi bác sĩ nói “nếu cháu bé đó còn tiếp tục điều trị thì sẽ có cơ hội sống nhưng nếu về thì sẽ tử vong ngay”. 

“Đó là một trong những lần công tác hiếm hoi em phải cân nhắc bởi chuyến đi đó vô cùng vất vả, đường sá đi lại khó khăn trong khi con em mới 4 tháng tuổi, chưa dứt sữa. Cuối cùng em quyết định thuê một chuyến taxi, đưa cả con và chồng theo để chăm con.

Đi mất hơn một ngày mới vào đến nơi, để chồng, con ngoài thị trấn còn mình tiếp tục bắt xe máy vào bản, sau đó ứng tiền để gia đình cháu bé thuê một xe cấp cứu quay trở lại Viện Huyết học. Lúc trở về ngồi trên xe quay lại nhìn thấy đất đá lăn phía sau vì thời điểm đó có mưa lũ mới sợ, cảm giác về đến nhà mới thấy mình cũng liều thật sự”, Hồng cười khi kể lại. 

Cười vui khi kể lại những chuyện đó, nhưng trên thực tế Hồng cho biết, mình từng có thời điểm stress vì công việc, nhất là thời gian mang bầu và mới sinh con.

“Mỗi khi gặp những bệnh nhân bị bỏng nằm trong khoa hồi sức tích cực, nhìn rất sợ và ám ảnh, rồi tiếp xúc với những trường hợp quá thương tâm, thậm chí hôm trước vừa trò chuyện với đối tượng thì mấy hôm sau nhận được tin họ đã mất, em cũng bị ám ảnh tâm lý một thời gian mới lấy lại được cân bằng”.

Do đặc thù công việc, với phóng viên Nhân ái thì việc làm trưa, làm tối thậm chí lúc nửa đêm là bình thường, bởi có những ca ghép tạng lúc 2 - 3 giờ sáng và các bác sĩ vẫn gọi điện cho phóng viên đến để hỗ trợ.

Vất vả là thế nhưng Hồng bảo công việc này cũng mang đến không ít niềm vui khi cô nhận được sự ủng hộ của gia đình, sự quan tâm, chia sẻ của những đồng nghiệp và lãnh đạo báo. Đặc biệt là niềm vui khi những trường hợp mà báo hỗ trợ tưởng như đã cận kề cái chết đã được hồi sinh trở lại. 

Đó là một phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh ở Thanh Chương, Nghệ An từng xin về nhà chờ chết, nhưng sau khi được phẫu thuật thành công đã không kìm được xúc động thốt lên “Chị sống rồi em ơi, giờ chị có thể đi bộ, làm việc mà không thấy mệt như trước”; 

Hay lại là cú điện thoại báo tin vui ngày đầu năm của một cô gái trẻ bị mất thị lực và liệt hai chân “Cô ơi con là Thanh Phương đây ạ, con đã khỏe và đi học lại rồi. Giờ con tự bắt 3 chặng xe bus đến trường”; là câu nói nghẹn ngào “Tấm lòng nhân ái đã tái sinh cuộc đời em” của một nữ điều dưỡng ở Đồng Hới, Quảng Bình…

Đến nay, sau 11 năm gắn với mảng Nhân ái, Hương Hồng không thể nhớ mình đã tiếp xúc với bao nhiêu nhân vật, hỗ trợ bao nhiêu hoàn cảnh, chỉ biết tính trung bình mỗi tuần đều đặn lên bài để  hỗ trợ cho 2 - 3 trường hợp.

Năm 2023, chỉ riêng qua những bài viết của Hồng, số tiền mà các nhà hảo tâm chuyển qua tài khoản của báo để ủng hộ cho các nhân vật là hơn 26 tỷ đồng…

Xây cầu Nhân ái: Phóng viên trèo đèo lội suối, đu cáp qua sông 

IMG-5663.JPG
Phóng viên Nguyễn Duy trao thẻ BHYT cho các em học sinh miền núi Nghệ An. (Ảnh: NVCC).

Ở khu vực miền Trung, phóng viên Nguyễn Duy thường trú tại Nghệ An cho biết, ngoài hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn thì báo Dân trí còn xây dựng rất nhiều công trình an sinh như xây nhà, cầu, trường học, phòng học…

Nghệ An là địa bàn khó khăn, nhiều khi địa phương biết đến Chương trình Nhân ái của Dân trí nên họ nhờ giúp đỡ, hoặc có những đơn vị, doanh nghiệp muốn thông qua báo tìm những địa bàn khó khăn để hỗ trợ. Khi đó phóng viên Nhân ái ngay lập tức làm việc với xã để xác minh, sau đó sẽ đi thực tế.  

“Nhiều công trình ở xa, thời gian đi thực tế phải 3 - 4 ngày, nhất là những địa bàn sát biên giới Việt - Lào, đường sá đi lại khó khăn, chỉ đi được xe máy, thậm chí đi bộ. Còn nhớ khi xây công trình cầu dân sinh ở bản Na Kho, xã Bắc Lý, huyện biên giới Kỳ Sơn, tôi phải đi xe máy trên những con dốc dựng đứng và một bên là vực thẳm mất gần 2 tiếng mới đến được bản.

Sau khi vào xác minh, gặp trời mưa tôi phải ở lại trong đó, hôm sau xe không ra được đành bỏ lại xe máy, lội qua khe, suối đi bộ mấy chục cây số, trời nắng mới vào đó lấy xe về…”, phóng viên Nguyễn Duy kể.

Sau chuyến khảo sát đó, công trình đã được báo Dân trí khởi công xây dựng. Hơn 60 hộ dân với 320 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Khơ Mú, Thái, Mông ở bản vùng sâu, vùng xa và nghèo gần như bậc nhất của xã biên giới Bắc Lý đã có một cây cầu mơ ước mang tên “Cầu Dân trí”, giúp bản làng không còn bị cô lập mỗi khi mùa lũ đến và trẻ em được đến trường an toàn.

Ở khu vực phía Nam, phóng viên Tùng Nguyên tại TPHCM từng không khác gì người nhện khi phải đu dây cáp qua sông khi đi thực tế tại địa bàn xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum để chuẩn bị cho việc xây cầu treo PoKo.

Vào thời điểm năm 2010, đây là một trong những dự án xây cầu nhận được sự ủng hộ rất lớn của bạn đọc cả trong và ngoài nước, dư âm của nó kéo dài cả năm. Với gần 2 tỷ đồng do bạn đọc báo Dân trí ủng hộ, cây cầu treo dài gần 200m bắc qua sông nối địa bàn hai xã đã được xây dựng. 

“Hơn 1 năm triển khai cho đến khi hoàn thành, cây cầu treo PoKo thực sự là “cây cầu nối những bờ vui”, bởi trước đó người dân vùng này phải đu dây cáp mỗi khi qua sông, bên dưới là dòng nước lũ dâng cao cuồn cuộn.

Hay như vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, Quỹ Nhân ái của báo Dân trí đã ngay lập tức kêu gọi bạn đọc và lập ngay nhóm hỗ trợ khẩn cấp để hỗ trợ những gia đình có người thiệt mạng hoặc bị thương. Đây là hoạt động tạo được tiếng vang, có sức lan tỏa rất lớn, từ đó, uy tín của Chương trình Nhân ái cũng ngày càng được khẳng định”, phóng viên Tùng Nguyên chia sẻ.

IMG-5664.JPG
Những cây cầu Dân trí mang đến sự an toàn cho trẻ em vùng sâu.

Hơn 5.000 hoàn cảnh kém may mắn  mà báo Dân trí đăng tải được bạn đọc, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ và hàng trăm công trình dân sinh đã được xây dựng trong 2 thập kỷ qua là niềm vui, niềm tự hào của những người làm báo Dân trí.

Năm 2024, bên cạnh những hoạt động có tính truyền thống của Chương trình Nhân ái như hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, xây cầu, xây trường vẫn tiếp tục được thực hiện và đẩy mạnh, báo Dân trí triển khai Chương trình xóa nhà tạm, Chương trình bóng rổ học đường…

Với quan điểm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện trong thời gian tới, phóng viên mảng Nhân ái vẫn sẽ tiếp tục lên đường đến với những vùng quê nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh mang theo sứ mệnh cao cả của người làm báo Dân trí “kết nối yêu thương, sẻ chia hy vọng”.

Bảo Châu

Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6

Tin liên quan
Tuổi già nhưng chí không già

Tuổi già nhưng chí không già

(LĐHX) - Phát huy vai trò “Tuổi cao - gương sáng”, “Tuổi già nhưng chí không già”, nhiều người cao tuổi (NCT) tích cực lao động sản xuất, kinh doanh,...
Tết ấm trong những căn nhà mới

Tết ấm trong những căn nhà mới

(LĐXH) - Nhận được sự chung tay hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng, những ngày này rất nhiều hộ nghèo phấn khởi hoàn thiện các khâu cuối cùng để đón...