Gần 140.000 căn nhà Đại đoàn kết hỗ trợ người nghèo
Với phương châm “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều nguồn vốn dành cho giảm nghèo nói chung, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng đã được lồng ghép vào các chương trình, đề án của Trung ương và địa phương.
Trong đó có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” được phát động trong toàn hệ thống Mặt trận... những hoạt động này đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 25/4/2023, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Ðiện Biên (Đề án 09) với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”.

Mục tiêu của chương trình là vận động các nguồn lực của xã hội để trong thời gian 1 năm hỗ trợ làm mới 7.000 đến 8.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Điện Biên và địa bàn Tây Bắc.
Trong đó, hỗ trợ tỉnh Điện Biên làm 5.000 căn nhà với tổng kinh phí 250 tỷ đồng.
Chỉ sau 9 tháng triển khai, 5.000 căn nhà Đại đoàn kết đã hoàn thành trước kế hoạch để các hộ nghèo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn trong ngôi nhà mới khang trang, bền vững.
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2023, Ủy ban MTTQ 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 23.036 tỷ đồng; trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 5.558 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 17.477 tỷ đồng.
Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 139.995 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 4,5 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám, chữa bệnh;
Giúp đỡ trên 1 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ cho trên 673.000 lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng trăm nghìn công trình dân sinh...
Tuy nhiên, hiện cả nước còn trên 315.000 hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở; khoảng 170.000 hộ nghèo, cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát.
Nhằm huy động sự chung tay chăm lo nơi an cư cho người nghèo, ngày 13/4, tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình), Lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 đã diễn ra với mục tiêu vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước.
Tiếp thêm động lực giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống
Là một trong những hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc, được nhận kinh phí hỗ trợ ngay trong lễ phát động, bà Vì Thị Hoa (53 tuổi, dân tộc Tày) đã rất vui và hạnh phúc.
Bà Hoa chia sẻ, khi được biết nằm trong danh sách hỗ trợ xây dựng nhà ở đợt này, gia đình bà rất mừng: “Căn nhà gỗ được dựng lên từ lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Chồng tôi mất sớm, con gái lấy chồng xa, con trai đi làm thuê, chỉ có tôi và mẹ sống dựa vào nhau.
Cả năm làm nương rẫy chỉ đủ ăn… chưa bao giờ nghĩ có thể xây được một căn nhà. Nay được Đảng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây nhà tôi mừng lắm!”.
Chồng mất hơn 20 năm nay, con gái lấy chồng xa, bản thân bà Sa Thị Hòa (71 tuổi, xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn, Đà Bắc) mắc nhiều di chứng sau tai nạn từ nhỏ nên gần như không có khả năng lao động.
Căn nhà bà Hòa đang ở bị mối mọt ăn gần hết cột nhà, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Những tấm xi măng xin được để lợp mái cũng đã xuống cấp. “Đến tuổi gần đất xa trời, tôi chẳng mong gì hơn ngoài đủ ăn từng bữa.
Chưa bao giờ tôi dám mơ đến một căn nhà mới. Nay được nhận hỗ trợ kinh phí từ Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và mạnh thường quân, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhà hảo tâm đã giúp tôi có căn nhà yên tâm sống nốt phần đời còn lại”, bà Hòa chia sẻ.
Vui mừng, phấn khởi cũng là cảm xúc của ông Triệu Văn Sơn (57 tuổi, dân tộc Dao, xã Cao Sơn, Đà Bắc). Căn nhà gỗ trên đồi được vợ chồng ông dựng lên hơn 20 năm nay không còn vững chãi. Ước mong có căn nhà kiên cố nay sắp thành hiện thực.
"Có nhà cửa là yên tâm để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Chỉ biết nói lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước đã quan tâm, giúp người nghèo chúng tôi có động lực để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống", ông Sơn bày tỏ quyết tâm.
Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên phạm vi toàn quốc tại Quyết định số 134/QĐ-BLĐTBXH ngày 31/1/2024 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tổng số hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở chưa đảm bảo “3 cứng” theo chiều thiếu hụt về chất lượng là 315.029 hộ (trong đó, hộ nghèo là 230.540 hộ; hộ cận nghèo là 84.489 hộ). Hiện các địa phương triển khai hỗ trợ nhà ở cho khoảng 145.000 hộ nghèo, cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tại Dự án 5 của Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến nay chương trình đã hỗ trợ được 28.040/126.780 hộ (đạt 22,12%). Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang được Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện. |
Châu Anh
Báo Lao động Xã hội số 49