Vì thế, để bổ sung, cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới nhất cho các hội viên, thời gian qua Hội Người mù tỉnh Thái Bình luôn chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho người khiếm thị và coi đây là giải pháp hiệu quả giúp người khiếm thị tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Đã hơn 2 tháng nay, hàng ngày chị Ngô Thị Hằng (48 tuổi) ở xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, vượt qua chặng đường dài hơn 60 km đến tham dự lớp học Xoa bóp bấm huyệt nâng cao do Hội Người mù tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù tổ chức.
Chia sẻ với phóng viên, chị Hằng cho biết: “Tôi sinh ra khỏe mạnh như bao người con gái khác, nhưng lúc học đến lớp 9, mắt tôi cứ mờ dần đi, khi bố mẹ cho đi bệnh viện khám, Bác sỹ nói bị nhược cơ, nên tôi phải nghỉ học từ đó.
Khi không còn nhìn thấy ánh sáng, tôi thực sự cảm thấy tuyệt vọng, may mắn đã đến với tôi, vào giữa năm 2005, tôi biết đến Hội Người mù huyện Hưng Hà, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo Hội, tôi đã chính thức trở thành hội viên của Hội.
Năm 2006 tôi được tham gia lớp đào tạo ngắn hạn nghề xoa bóp, tẩm quất.
Nhờ được đào tạo nghề tẩm quất, tôi đã tìm thấy con đường lập thân, lập nghiệp, nên sau khi học xong, tôi trở về Hội Người mù huyện Hưng Hà làm tẩm quất, xoa bóp, bấm huyệt cho khách.
Cũng từ đây, cuộc sống tươi đẹp đã trở lại với tôi, bởi tôi đã tìm được môi trường phù hợp với mình và đã có một công việc mang lại thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Sau 15 năm tích lũy kinh nghiệm và dành dụm được một số tiền, năm 2022 tôi về quê (xã Điệp Nông, Hưng Hà) mở cơ sở tẩm quất. Thời gian đầu, cơ sở rất vắng khách, nhưng đến nay cơ sở của tôi ngày càng đông, từ đó thu nhập của tôi cũng ngày một tăng”.
“Tuy nhiên, làm nghề tẩm quất thật chẳng dễ như nhiều người vẫn nghĩ, nếu không có sức khỏe, kỹ năng của nghề và đôi tay không khéo léo, nhạy cảm để sờ, nắn các huyệt thì khó mà làm được công việc này. Vì thế, đầu năm 2024 khi biết được Hội Người mù tỉnh mở lớp học nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị trong thời gian 3 tháng, tôi đã đăng ký đi học.
Đến nay, tôi đã theo học được hơn 2 tháng, qua những buổi học tôi không chỉ đã nắm bắt thêm được nhiều kĩ thuật xoa bóp bấm huyệt nâng cao... nhờ đó, tôi làm nghề đỡ mất sức hơn, khách hàng nhiều hơn, trước đây thu nhập của tôi chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, thì hiện tại tăng lên 8-10 triệu đồng/tháng”, chị Hằng chia sẻ thêm.
Là 1 trong 16 học viên tham gia lớp học nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất, chị Bùi Thị Khuyên (52 tuổi, bị khiếm thị bẩm sinh, ở xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy), hiện là kỹ thuật viên - Tổ trưởng Tổ dịch vụ tẩm quất (Hội Người mù tỉnh Thái Bình) cho biết: “ Tôi biết đến nghề tẩm quất từ năm 2013, khi đó tôi làm nghề này ở Hội Người mù huyện Thái Thụy, đến năm 2016 tôi chuyển lên công tác ở cở sở tẩm quất thuộc Hội Người mù tỉnh Thái Bình, đến nay tôi đã công tác ở đây được hơn 8 năm.
Đây là lần thứ hai tôi được tham gia lớp học nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị, mỗi một lần tham gia lớp học là một lần được trang bị những kiến thức chuyên sâu về nghề...
Anh Bùi Ngọc Săng, Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù chia sẻ: Bản thân tôi cũng là người khiếm thị nên rất hiểu những thuận lợi, khó khăn của các học viên khi làm nghề tẩm quất, từ đó có thể dễ dàng chia sẻ, hướng dẫn các kỹ năng cho họ.
Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thái Bình cho biết: Tỉnh hiện có 39 cơ sở dịch vụ tẩm quất do các cấp hội người mù quản lý và hội viên làm chủ, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 350 người khiếm thị.
Những năm qua, các cấp hội người mù trong tỉnh đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, không ngừng đổi mới phương thức quản lý, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, bảo đảm cho người khiếm thị có việc làm, thu nhập ổn định.
Tham gia lớp tập huấn, học viên sẽ được phổ biến các kỹ thuật mới như: sử dụng lực thân trong xoa bóp, bấm huyệt, kỹ thuật trị liệu, quy trình thăm khám, điều trị một số chứng bệnh như: Liệt mặt, liệt nửa người, đau dây thần kinh tọa...
Ngoài ra, các học viên còn được nâng cao kỹ năng quản lý; kỹ năng truyền thông (quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu...).
Tuy nhiên, hiện nay ngoài các cơ sở dịch vụ tẩm quất của người mù, thì các cơ sở dịch vụ tẩm quất của người mắt sáng xuất hiện ngày càng nhiều đã ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người khiếm thị.
Vì thế, việc nâng cao các kỹ năng về nghề tẩm quất cho người khiếm thị là thực sự rất cần thiết, nhưng, do phụ thuộc vào nguồn kinh phí xã hội hóa nên chưa tổ chức được nhiều lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị.
Thời gian tới, Hội Người mù tỉnh Thái Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tài trợ kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm để mở thêm nhiều lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh và các huyện, giúp người khiếm thị vươn lên hòa nhập cộng đồng.
M.Quang