Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Tìm thấy ánh sáng từ âm nhạc

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Bằng nghị lực sống và tình yêu âm nhạc, chàng thanh niên khiếm thị Bùi Ngọc Thịnh (SN 2000, ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vượt qua bóng tối chinh phục 14 loại nhạc cụ khác nhau, được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là người chơi được nhiều nhạc cụ xuất sắc nhất châu Á.

Cảm nhận cuộc sống tươi đẹp qua phím đàn

Ngọc Thịnh đến với âm nhạc như một cách “trả nợ” số phận nghiệt ngã đã đổ xuống những người thân yêu nhất của em. Sinh ra trong gia đình nghèo, ba mẹ đều là người khiếm thị, cậu bé Bùi Ngọc Thịnh cũng bị khiếm thị từ thuở lọt lòng.

Sống trong bóng tối, Thịnh phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống hàng ngày cũng như học tập.

Tuy vậy, để bản thân không thua kém bạn bè đồng trang lứa, Thịnh luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng để theo học cả chương trình văn hóa lẫn môn năng khiếu mà em đam mê, đó là âm nhạc.

z5338015262419_70f4060fd057284e477f6106703de5bf.jpg
Ngọc Thịnh trình bày bản nhạc “Đứa bé” tại Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI năm 2024, tại Hà Nội.

Ngọc Thịnh chia sẻ, từ nhỏ em đã yêu thích âm nhạc và muốn trở thành nghệ sĩ. 3 tuổi, em bắt đầu tiếp cận với trống, miệt mài luyện tập từ những bản nhạc đơn giản. 7 tuổi, em làm quen với đàn guitar phím lõm, hàng ngày chăm chỉ tập luyện.

Ngày qua ngày, Ngọc Thịnh đã tập chơi thêm rất nhiều loại nhạc cụ để tăng kiến thức về âm nhạc. Đến nay, em có thể chơi thành thạo 14 loại nhạc cụ là: Trống, guitar phím lõm, sến, tranh, cò, organ, kìm, piano, mandolin, bầu, tiêu,    guitar, guitar bass và hồ.

“Để có thể vừa hoàn thành tốt chương trình học ở trường, vừa tiếp tục tập luyện nhạc cụ, thỏa mãn đam mê, em đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Vất vả đó, khó khăn đó nhưng em thấy rất hứng thú vì sau những buổi học tập căng thẳng, em lại có những giây phút thư giãn nhờ âm thanh của tiếng đàn, tiếng trống. Lúc lướt tay trên những phím đàn cũng chính là lúc em cảm thấy cuộc sống xung quanh tươi đẹp nhất”, Ngọc Thịnh chia sẻ.

Bên cạnh việc học các loại nhạc cụ, Ngọc Thịnh còn tích cực tham gia biểu diễn tại các chương trình văn nghệ và em đã nhận được nhiều huy chương, bằng khen của huyện, tỉnh và Trung ương.

Năm 2011, Bùi Ngọc Thịnh đoạt Huy chương Vàng cho tiết mục độc tấu đàn guitar phím lõm tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” tỉnh Khánh Hòa; Huy chương Vàng độc tấu guitar phím lõm và Huy chương Vàng đơn ca với ca khúc “Đứa bé” tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội.

Năm 2016, Ngọc Thịnh nhận Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu ca khúc "Lên ngàn" tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” toàn quốc. Năm 2011, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập Bùi Ngọc Thịnh là người Việt Nam đầu tiên chơi được thành thạo nhiều loại nhạc cụ nhất. Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập Bùi Ngọc Thịnh là người chơi được nhiều nhạc cụ xuất sắc nhất châu Á.

Vừa qua em vinh dự được tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI năm 2024, tại Hà Nội.

“Em rất vinh dự và tự hào khi nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở trong nước và quốc tế. Đây chính là động lực thúc đẩy em cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng những người đã yêu quý, tin tưởng”, Ngọc Thịnh chia sẻ.

Ngoài việc tích cực tham gia các cuộc thi về âm nhạc, em còn mở một phòng thu và nhận hòa âm phối khí cho rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ngoài ra, Ngọc Thịnh sáng tác nhiều bài hát dành cho học sinh như: “Cho ta”, “Ước mơ tung tăng” và gần đây là dòng nhạc bolero…

Giúp người đồng cảnh tiếp cận sự huyền diệu của âm nhạc

Với khao khát truyền đạt lại những gì bản thân đã được học cho những người đồng cảnh ngộ, Ngọc Thịnh đã cùng Ban chấp hành Hội Người mù thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) vận động được 150 triệu đồng, mở 3 khóa học đàn organ cho các hội viên do chính em đứng lớp giảng dạy, giúp nhiều người khiếm thị có cơ hội tiếp cận với sự huyền diệu của âm nhạc.

Thông qua các khóa học, một số người khiếm thị nhận ra thế mạnh về âm nhạc của mình và đã tìm được công việc liên quan để nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.

“Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là đối với người khiếm thị. Tuy nhiên, em luôn tự nhủ dù khó khăn đến đâu, vất vả thế nào cũng không được bỏ cuộc. Em tin rằng với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng niềm đam mê cháy bỏng, em sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách”, Ngọc Thịnh tâm sự.

Câu chuyện cổ tích của Bùi Ngọc Thịnh hiện hữu giữa đời thường như những nốt nhạc du dương trầm bổng khiến người nghe cảm nhận được khát vọng sâu xa của em trong quá trình vượt bóng tối bằng niềm đam mê, nghị lực và niềm tin.

Bất cứ ai một lần được nghe Bùi Ngọc Thịnh biểu diễn âm nhạc đều không khỏi rung động bởi cảm xúc chân thật, thánh thiện phát ra từ phím đàn và trái tim trong ngần, đầy khát vọng của em.

Thanh Hòa

Báo Lao động Xã hội số 51