Chung tay phòng, chống mua bán người
Nhằm chung tay phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em, Sở LĐ-TB&XH Lào Cai trực tiếp chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản chỉ đạo Cơ sở Cai nghiện ma tuý tự nguyện (Nhà Nhân ái Lào Cai) tiếp nhận và triển khai các hoạt động do Tổ chức Vòng tay Thái Bình tài trợ.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai cho biết: “Thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; thời gian qua, ngành LĐ-TBXH Lào Cai đã tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh”.
Cùng với đó, Sở triển khai các hoạt động tăng cường đấu tranh phòng chống mua bán người; phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”;
Phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về việc thực hiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; Quản lý lao động di cư tự do qua biên giới.
Để công tác phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em có hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH Lào Cai tích cực phối hợp với cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi giao ban, họp thôn, bản về các nội dung phòng, chống mua bán người.
Cùng với đó, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã xét xử kịp thời, hiệu quả ngay sau khi thụ lý vụ án liên quan đến mua bán người. Kết quả, từ năm 2021 đến hết tháng 5/2023, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai đã thụ lý, giải quyết sơ thẩm 12 vụ với 28 bị cáo về nhóm tội mua bán người.
Viết tiếp những ước mơ
Cùng với phòng chống mua bán người, việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trở về cũng được tỉnh Lào Cai quan tâm. Tuy nhiên, những nạn nhân được các lực lượng chức năng giải cứu hay may mắn tự trốn thoát trở về lại gặp muôn vàn khó khăn, rào cản khi hòa nhập cộng đồng.
Hầu hết nạn nhân chưa chuẩn bị tâm lý cũng như các kỹ năng cần thiết để tái hòa nhập cộng đồng, học hành dang dở, không có việc làm... Vì vậy, nguy cơ họ sa vào các tệ nạn xã hội và bị tái mua bán là rất cao.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Sau khi được giải cứu trở về, ngoài những rào cản đến từ kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, học hành dang dở, sự kỳ thị của xã hội, một số em còn chịu áp lực rất lớn ngay từ phía gia đình của mình do hủ tục lạc hậu và nhận thức hạn chế của người nhà”.
Trong bối cảnh đó, các cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã trở thành nơi trú ẩn an toàn, là gia đình mới của những phụ nữ, trẻ em bị mua bán. Tỉnh Lào Cai hiện có hai cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trực thuộc Sở LĐ-TB&XH là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và “Nhà Nhân ái”.
“Nhà Nhân ái” được thành lập từ năm 2010 do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng; Tổ chức Vòng tay Thái Bình tài trợ toàn bộ kinh phí hoạt động, vận hành và kỹ thuật chuyên môn; Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai là đơn vị quản lý, điều hành.
Trong ngôi nhà đặc biệt này, những con người tuy không cùng chung huyết thống nhưng lại thân thiết không khác người thân ruột thịt, bởi họ đều có chung hoàn cảnh là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
“Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở thường xuyên có đợt khảo sát rất kỹ với rất nhiều thời điểm đối với các gia đình nạn nhân bị mua bán trở về. Gia đình nào cam kết đủ điều kiện cho con cái học tập, sinh hoạt tốt, chúng tôi mới giao nhận và vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với gia đình cho đến khi nạn nhân trưởng thành.
Với những gia đình không đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản, các đơn vị chuyên môn giữ các em lại “Nhà Nhân ái” để đảm bảo hỗ trợ nạn nhân một cách phù hợp, tạo cơ hội cho các em thay đổi cuộc sống và có tương lai tốt đẹp hơn”, ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Sau gần 14 năm đi vào hoạt động, “Nhà Nhân ái” đã tiếp nhận và hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình và cộng đồng an toàn. 100% nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ học hết văn hóa phổ thông. 80% nạn nhân được học nghề, có việc làm ổn định.
70% số nạn nhân đã xây dựng hạnh phúc gia đình, ổn định cuộc sống. 100% nạn nhân được hồi gia an toàn, không bị tái mua bán, không rơi vào tệ nạn xã hội. Nhiều nạn nhân đã trở thành tuyên truyền viên, tự tin truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc tại các phiên chợ vùng cao và các trường học, góp phần phòng chống hiệu quả nạn mua bán người.
Mái ấm “Nhà Nhân ái” đã thực sự trở thành điểm tựa để các nạn nhân có động lực viết tiếp ước mơ. Từ “Nhà nhân ái”, nhiều em đã trở thành sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đang ngày đêm nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.
Thanh Ngọc
Ấn phẩm Vì trẻ em số 14