Các đối tượng buôn người đã lợi dụng trình độ dân trí thấp, sự nhẹ dạ cả tin để lôi kéo phụ nữ, trẻ em bỏ nhà đi làm ăn xa, hứa hẹn “việc nhẹ - lương cao”.
Phụ nữ và trẻ em chiếm 90%
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, mua bán người luôn là vấn đề “nóng”, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Mặc dù nạn nhân của mua bán người có thể là bất cứ ai, nhưng một thực tế là phụ nữ và trẻ em gái luôn chiếm đa số.
Báo cáo tổng kết của Bộ Công an cho biết: Từ 1/2012 đến tháng 2/2023, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó xác định 7.962 người là nạn nhân (phụ nữ, trẻ em chiếm khoảng 90%).
Theo Thượng tá Khổng Ngọc Oanh (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) thực tế các vụ việc mua bán người được phát hiện rất ít so với tệ nạn mua bán người. Độ tuổi nạn nhân ngày càng trẻ hóa, có em sinh năm 2009, 2010 đã bị mua bán, trở thành nạn nhân bị bóc lột tình dục.
Thủ đoạn chính của tội phạm mua bán người là lợi dụng nhận thức hạn chế, tâm lý “muốn đổi đời” nhanh chóng của người dân; sự thiếu kỹ năng sống, hoặc ham chơi, đua đòi của một số nữ sinh, sinh viên, trẻ em gái mới lớn…
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh cho rằng, các vụ mua bán người rất khó phát hiện, rất khó xác minh, giải cứu. Bộ Công an rất cố gắng nhưng hiện nhiều nạn nhân vẫn mắc kẹt ở nước ngoài, đi dễ nhưng về rất khó.
Cộng đồng dân cư sống ở nông thôn, miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, nhóm phụ nữ không có hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân, quá lứa lỡ thì mong lấy chồng nước ngoài, nhóm các em thanh, thiếu nữ mới lớn, mải chơi... đều dễ trở thành nạn nhân.
“Tôi mong người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ, các cháu thanh thiếu niên không vì khó khăn trước mắt, không vì tâm lý muốn giàu nhanh, muốn đổi đời mà bất chấp nguy cơ, hiểm nguy để mạo hiểm ra nước ngoài trái phép để rơi vào cạm bẫy tội phạm", Thượng tá Khổng Ngọc Oanh khuyến cáo.
Để không trở thành nạn nhân của mua bán người
Bộ Công an cho biết, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để tội phạm hoạt động.
Người dân hãy tham khảo ý kiến và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Đặc biệt, người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn; Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có;
Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết; Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào; Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán.
Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người. Khi phát hiện sự việc có nghi vấn liên quan đến tội phạm mua bán người, cung cấp ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, giải quyết.
Các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Tập trung vào nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân (phụ nữ và trẻ em) để có các biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phát hiện và phòng ngừa…
Về phía nhà trường, các cơ sở giáo dục cần quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên; Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học; Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống mua bán người…
Phương Anh
Ấn phẩm Vì trẻ em số 16