Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Nhân ái, từ thiện thời 4.0

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Sự bùng nổ của công nghệ 4.0 với nhiều ứng dụng thiện nguyện tiện ích đã lan tỏa các hoạt động từ thiện, tạo sự kết nối mạnh mẽ, kịp thời giúp những hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm thì làm thiện nguyện thời công nghệ 4.0 cũng còn không ít mặt trái, đó là sự lợi dụng công nghệ, mạng xã hội vào mục đích bất chính, tư lợi.

Kết nối mạnh mẽ những tấm lòng nhân ái

Nhân ái, từ thiện thời 4.0 - 1
Báo Dân trí chung tay ủng hộ đồng bào vượt qua bão lũ. (Ảnh: Trung Kiên).

Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, cơn bão Yagi (bão số 3) đã khiến Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh miền núi phía Bắc gánh chịu hậu quả thiên tai vô cùng nặng nề. Thời điểm thiên tai hoành hành cũng là lúc trên các diễn đàn mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok, telegram, youtube…) nhiều tổ chức, cá nhân cộng đồng mạng đứng ra kêu gọi, triển khai chương trình thiện nguyện. Nhiều ứng dụng thiện nguyện, nhân ái đã ra đời nhằm giúp tổ chức, cá nhân có thể làm từ thiện hiệu quả. 

App thiện nguyện giúp cho việc từ thiện bằng tiền công khai minh bạch. Tại ứng dụng, cá nhân có thể tương tác, tư vấn cho những ai có nhu cầu huy động từ thiện. Số tiền quyên góp từ các cá nhân đều được liên tục cập nhật và công khai trên cả hệ thống ứng dụng. Thậm chí, cá nhân có thể xác thực thông tin địa chỉ người được giúp đỡ hoặc có thể theo dõi những thay đổi của những gia đình sau khi được giúp đỡ. Hơn nữa, với tính năng chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn từ ứng dụng đến các nền tảng xã hội đã giúp lan tỏa và kết nối những tấm lòng hảo tâm một cách mạnh mẽ.

Bà Lê Thị Thanh Bình quản trị viên CLB từ thiện Trái tim hồng tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Không chỉ kêu gọi ủng hộ bão lũ lần này, mà nhiều hoạt động nhân ái, từ thiện trước đó cũng được CLB triển khai qua mạng xã hội. Hàng trăm hoàn cảnh khó khăn đã được CLB kêu gọi giúp đỡ. Các khoản đóng góp được chúng tôi sao kê chi tiết, báo cáo công khai minh bạch, nhờ vậy uy tín công tác từ thiện của nhóm được nâng lên”. 

Sau cơn bão số 3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (TƯMTTQ) Việt Nam đã kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tầng lớp Nhân dân chung tay ủng hộ đồng bào vượt qua bão lũ thông qua tài khoản chính thức của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam. Đặc biệt, để công tác ủng hộ cứu trợ được hiệu quả, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam đã công bố file sao kê danh sách ủng hộ khắc phục hậu cơn bão số 3. Theo đánh giá, việc công khai danh sách sao kê được nhân dân đồng tình ủng hộ, bởi nó cho thấy sự minh bạch trong công tác tiếp nhận ủng hộ cứu trợ.

Những người làm từ thiện qua mạng xã hội ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Họ có thể hoạt động thiện nguyện cá nhân hoặc kết nối, tham gia các hội, nhóm theo từng “chiến dịch” kêu gọi ủng hộ. Hoạt động kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội  không chỉ được cá nhân, hội nhóm sử dụng mà các tổ chức, đơn vị cơ quan nhà nước như: Phòng Công tác xã hội của các bệnh viện, tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cơ quan báo chí truyền thông… cũng sử dụng Fanpage của đơn vị để đăng bài kêu gọi ủng hộ. Chính sự khách quan, trung thực, minh bạch của nhiều cá nhân, tổ chức đã được cộng đồng tin tưởng, ủng hộ rất nhanh và hiệu quả. 

Cảnh giác để thiện nguyện không đặt “nhầm chỗ”

Nhân ái, từ thiện thời 4.0 - 2
Các trang giả mạo trên mạng xã hội nhằm kêu gọi ủng hộ của cộng đồng mạng.

Bên cạnh những mặt tích cực thì việc làm thiện nguyện thời công nghệ 4.0 cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Hiện nay, các Fanpage, tài khoản mạng xã hội  được tạo rất dễ dàng dẫn tới sự xuất hiện tràn lan các cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện qua mạng xã hội mà không nằm trong sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Đây là kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng với mục đích trục lợi, lừa đảo. 

Trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện nhiều trang giả mạo, đăng tin, ảnh cắt ghép, thậm chí đăng theo các bài viết của các báo chính thống (copy bài, ảnh, video) nhưng đăng số tài khoản ngân hàng lại là của cá nhân với địa chỉ mập mờ để đánh lừa các nhà hảo tâm. Đã có không ít cá nhân, tổ chức hảo tâm đã chuyển tiền ủng hộ vào những tài khoản này và vô hình tiếp tay cho những kẻ mạo danh từ thiện để trục lợi. 

Trước tình trạng lợi dụng bão lụt để trục lợi, Công an huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã phải đăng thông tin cảnh báo nhiều trang Fanpage đã mạo danh CLB thiện nguyện để đăng tin ảnh cắt ghép không đúng sự thật nhằm kêu gọi cộng đồng gửi tiền để lừa đảo, chiếm đoạt. 

Cơ quan chức năng tỉnh các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái cũng đã phát đi thông báo hướng dẫn người làm từ thiện nên liên lạc với các cơ quan, đơn vị chức năng như: Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban MTTQ Việt Nam của địa phương, các cơ quan báo chí chính thống… để phối hợp thực hiện các hoạt động thiện nguyện, có như vậy quà, tiền của các nhà hảo tâm mới “đặt đúng chỗ”.

Việc làm từ thiện thông qua mạng xã hội có nhiều ưu điểm, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề, bởi các cá nhân, hội nhóm hoạt động thiện nguyện chủ yếu đều là tự phát hoặc “mùa vụ” theo từng trường hợp nên không thống kê được số lượng dẫn đến việc cơ quan chức năng khó quản lý.

Do đó, bên cạnh cái “tâm” của những người làm từ thiện cần có sự giám sát và quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là kiểm soát thông tin hoạt động của các tài khoản liên quan đến vấn đề từ thiện trên mạng xã hội và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu lừa đảo. Có như vậy, mạng xã hội mới thực sự trở thành công cụ đắc lực góp phần lan tỏa phong trào thiện nguyện, phát huy sức mạnh của cộng đồng, xã hội trong hoạt động nhân đạo.

Làm từ thiện là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng và cần lan tỏa. Nhưng để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, người làm từ thiện cần tỉnh táo, bởi số tiền mình bỏ ra cần giúp đúng người, đúng chỗ mới phát huy hiệu quả. Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thông tin kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội. Trước khi ủng hộ, mọi người nên thận trọng tìm hiểu, liên hệ với chính quyền địa phương kiểm chứng thêm thông tin trước khi quyết định giúp đỡ.

 Việc kêu gọi, tiếp nhận, phân phối hàng, quà từ thiện cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, cụ thể là phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính Phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Thanh Ngọc

Ấn phẩm Vì trẻ em số 18