Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Nhân viên công tác xã hội - Nghề gieo những yêu thương

LĐXH
LĐXH

Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt các thách thức phức tạp do hàng loạt vấn đề xã hội ngày càng gia tăng như: Lạm dụng trẻ em, người già neo đơn, nạn nghiện hút, mại dâm, bạo lực gia đình, thất nghiệp, di cư…

Với vai trò phát hiện, tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho những cá nhân, nhóm người gặp khó khăn, giúp họ vượt qua rào cản, hòa nhập cộng đồng theo hướng tích cực, nghề công tác xã hội được coi là nghề nhân văn, góp phần mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.

Bài 1: Chia sẻ nỗi đau với người bệnh

Công tác xã hội trong bệnh viện là công việc khá mới, do vậy vai trò của công tác xã hội còn chưa được đánh giá cao.

Tuy nhiên, bản thân mỗi cán bộ khi được hỏi đều cho rằng rất hạnh phúc vì được làm việc, được cống hiến sức lực cứu giúp, hỗ trợ người bệnh.

z5252069832881_d03a95483f4b7a01936d2cface62b03a.jpg
Nhân viên CTXH Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tặng quà cho bệnh nhân ngày 8/3. (Ảnh: Thanh Hòa)

Một ngày cuối xuân trong tiết trời nồm ẩm đặc trưng của miền Bắc, tại cổng số 5 của Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn bỗng nghe nhiều tiếng ồn ào bởi một phụ nữ khoảng 50 tuổi vừa được một người chạy xe công nghệ chở đến, chị loạng choạng, đi không vững vào phòng cấp cứu.

Anh V.Hùng, nhân viên công tác xã hội của BV đứng gần đó vội chạy đến dìu người phụ nữ vào phòng cấp cứu. Sau khi được các bác sĩ thăm khám ban đầu, anh V.Hùng cùng một y tá dìu người phụ nữ lên chiếc xe lăn, nhanh chóng đưa đi làm các xét nghiệm, chụp chiếu theo yêu cầu của bác sĩ.

Do bị suy nhược cơ thể, sốt mất nước nên sau khi được cấp cứu kịp thời, người phụ nữ dần hồi tỉnh, xúc động nói: “Quê tôi ở Phú Thọ, đang làm việc tại Hà Nội, tôi bị ốm sốt mấy ngày rồi, hôm nay mới gọi xe vào viện.

Tôi không nghĩ mình bị ngất xỉu nhanh như thế, may nhờ có nhân viên công tác xã hội của BV đỡ kịp thời, nếu không sẽ không biết chuyện gì xảy ra. Tôi cảm ơn anh ấy nhiều lắm”. 

Đứng cạnh tôi, anh V.Hùng nở nụ cười tươi: “Đó là việc rất bình thường hằng ngày của nhân viên công tác xã hội trong BV mà chị. Thấy chị tỉnh táo thế này chúng em vui rồi”, anh Hùng nói rồi lại tiếp tục với công việc của mình.

z5250647635691.jpg
Nhân viên CTXH Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ bệnh nhân trong việc khám chữa bệnh. (Ảnh: Thanh Hòa)

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Thư, nhân viên công tác xã hội của BV Đa khoa Xanh Pôn kể: Đó là vào một ngày thứ bảy, BV tiếp nhận ca bệnh là cháu nhỏ dưới 1 tuổi, bị bệnh rất nặng về hô hấp. Bố mẹ cháu đều là người dân tộc, lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn nên cháu bé sinh ra không thể làm giấy khai sinh và không có thẻ BHYT.

Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ cho biết, bệnh tình của bé có thể chữa được và cho cháu nhập viện để điều trị. Tuy nhiên, do kinh tế gia đình không đủ chi trả viện phí, gia đình có nguyện vọng xin cho cháu về nhà.

Nhận được thông tin về ca bệnh, nhân viên phòng công tác xã hội của BV tiếp cận gia đình cháu bé để tìm cách giúp đỡ. Nhưng người mẹ lại không biết chữ, tiếng Kinh chỉ nói bập bõm nên khi trao đổi, nhân viên công tác xã hội phải nói những từ rất đơn giản để mẹ cháu nghe, hiểu được và yên tâm cho cháu ở lại điều trị.

“Vì tính mạng của cháu bé đang nguy hiểm, thời gian cũng gấp nên ngay trong đêm đó, chúng tôi bàn với nhau rồi liên hệ qua điện thoại, zalo với các nhà hảo tâm đã từng giúp những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn của BV trước đó để hỗ trợ cho cháu.

May mắn, ngay ngày hôm sau đã có nhà hảo tâm đến thăm hỏi, xin chi trả các chi phí cho cháu bé. Vì được điều trị kịp thời nên sức khỏe cháu bé hồi phục dần, mạnh khỏe và được xuất viện”, chị Thư kể lại với nét mặt tràn đầy niềm vui.

Chia sẻ về việc điều trị bệnh cho con tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, phụ huynh của cháu Lê Hà Minh Anh (SN 2015), tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xúc động: “Con tôi phải điều trị bệnh lơ xê mi cấp thể L2 (một loại ung thư máu đặc biệt), nhập viện ngày 24/1 trong tình trạng rất nặng, dù con đã qua cơn nguy kịch nhưng  gia đình rất lo lắng vì con ít nói, ngại giao tiếp và sợ phải nghỉ học. 

Tuy nhiên, mọi lo lắng đã được nhân viên công tác xã hội của BV động viên, khích lệ mẹ nói chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn và đưa con vào hoạt động văn hóa tinh thần để con đỡ nhớ trường, nhớ lớp. Sau đợt điều trị lần một, hiện sức khỏe của con đã tiến triển lên rất nhiều. Con được như bây giờ chính là nhờ sự trợ giúp kịp thời của nhân viên công tác xã hội của BV”.

Nhớ lại những ngày đầu trợ giúp cho bệnh nhân Nguyễn Thị T. (SN 1977, ở Bắc Giang) điều trị bệnh lơ xê mi kinh - dòng bạch cầu hạt, khiếm thị bẩm sinh, chị Dương Thị Oanh Thanh, nhân viên công tác xã hội BV Huyết học - Truyền máu Trung ương kể: Năm 2021 bệnh nhân T. phát hiện bệnh, khi đó, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mẹ già yếu, con trai mới 14 tuổi.

Ngày nhập viện bệnh nhân khóc nhiều, bỏ bữa, không giao tiếp và có nhiều cảm xúc tiêu cực thấy cuộc sống bất công, thấy mình là gánh nặng, từ chối sự tiếp xúc của mọi người xung quanh, gia đình…

“Qua vài lần tiếp xúc, thăm hỏi sinh hoạt hàng ngày, dần dần tôi tạo được niềm tin với người bệnh, lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện của chị. Dần dần chị T. nhận ra những điểm sáng của mình, những điều mình đang có, đó là sự quan tâm của gia đình, sự hỗ trợ của cộng đồng, sự mong chờ của mẹ và con trai. Chị T. trước đây là người rất nghị lực, vượt qua nhiều khó khăn và là trụ cột gia đình…

Qua sự hỗ trợ, chia sẻ của nhân viên công tác xã hội, chị T. nhận ra rằng, mình cần phải cố gắng để làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ và con trai. Hiện chị T. vẫn điều trị định kỳ, sức khỏe ổn định, tinh thần luôn tích cực”, chị Thanh kể.

Những bệnh nhân được trợ giúp trên là những điển hình trong hàng nghìn trường hợp đã được nhân viên công tác xã hội tại các BV trợ giúp để họ vững tin vượt qua hoàn cảnh khó khăn về tinh thần và vật chất, yên tâm chữa bệnh.

Bởi nhân viên công tác xã hội là những người có trái tim bao dung, mang tình yêu thương đến với những người cần giúp đỡ. 

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32) với mục tiêu “Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. 

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. 

Đề án 32 đánh dấu quá trình hình thành và phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp trong hệ thống phúc lợi xã hội của nước ta. 

Ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, cả nước phấn đấu đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, trường học, BV, UBND xã, phường, thị trấn... có nhân sự làm công tác xã hội; bảo đảm ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, giáo dục đủ khả năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội...

Ít nhất 90% trẻ em mồ côi, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng... được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn xã hội hóa…

Cù Hòa

 

.

 

Tin liên quan