Cần sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền
Không giấu được vẻ buồn rầu khi nhìn khu vườn quất rộng hàng trăm mét vuông tan hoang, chỉ còn chỏng trơ vài chiếc chum vại, bình sứ với những gốc quất chết khô, ông Quốc Hoan (65 tuổi, ở tổ 11, phường Tứ Liên, quân Tây Hồ Hà Nội) chưa hết bàng hoàng vì bão số 3 khiến gia đình ông trắng tay.
“Năm nay gia đình tôi trồng gần 1.000 gốc quất cảnh vào chum vại, bình sứ đều đang cho quả đẹp, nhưng nước lũ ngập cao 2m nên bị chết úng, không cứu được cây nào. Vậy là tiền tỷ đầu tư vào vườn quất giờ bị lũ cuốn đi hết. Đau xót, tiếc của, tiếc công lắm. Bởi, nông dân chúng tôi ngoài nguồn thu nhập chính là quất thì không có nguồn nào khác. Do vậy, tôi mong muốn được chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tạo điều kiện cho chúng tôi được vay vốn bước đầu không lãi suất để có tiền mua cây giống, khôi phục lại vườn quất”, ông Hoan nói.
Đã hơn 11 giờ trưa, nhưng bà Tuyết Hoa (60 tuổi, ở cụm 5, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) vẫn tranh thủ trồng cho xong những khóm đào giống vừa mua về. Bão số 3 khiến kinh tế gia đình bà thêm khó khăn, tất cả vốn liếng đầu tư vào mấy trăm gốc đào huyền và cúc họa mi đều bị hỏng, thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.
Lau giọt mồ hôi trên trán, chỉ tay về khóm đào vừa trồng, bà Hoa cho biết: “Để 3 - 4 năm nữa có đào bán tết, tôi phải mượn tiền của họ hàng, bạn bè mua cây giống về trồng để cuối năm còn kịp ghép mắt. Muốn tái đầu tư cho vườn cây, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương về tài chính, nếu không sẽ rất khó có thể tiếp tục duy trì nghề trồng đào trong những năm tới. Tôi mong muốn, trước mắt mỗi hộ trồng đào, quất bị thiệt hại được hỗ trợ từ 5 - 7 triệu đồng để mua giống, phân, trồng các loại cây ngắn ngày bán vào dịp tết”.
Cũng như các hộ trồng đào, quất, bão số 3 khiến 600ha chuối của người dân huyện Khoái Châu (Hưng Yên) tan hoang. Bà Nguyễn Thị Lúa (thôn Kiến Châu, xã Tân Châu) cho biết bão số 3 đã khiến 1.000m2 chuối của gia đình đổ gục không còn cây nào.
"Trước khi bão vào, gia đình tôi đã chằng buộc cây cẩn thận. Thế mà chỉ sau một đêm gần 300 gốc chuối đổ rạp hết. Vụ chuối này trồng để kịp bán dịp tết nên chúng tôi đầu tư chăm sóc tốt hơn, tốn bao công sức, tiền phân bón", bà Lúa nói.
Theo ghi nhận, nhiều hộ dân trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) đang ngày đêm mong chờ nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ngân hàng để tái đầu tư. Các hộ dân cho biết, từ sau bão đến nay, họ chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương.
Còn theo người dân trông chuối tại Hưng Yên, mặc dù đã trình báo, thống kê thiệt hại ngay khi bão tan, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông báo hỗ trợ như thế nào. “Chúng tôi mong chính quyền địa phương, ngân hàng quan tâm, sớm có chính sách hỗ trợ cho những người bị thiệt hại do thiên tai. Hỗ trợ bao nhiêu cũng được, một đồng lúc này cũng quý. Chứ giờ chúng tôi cạn kiệt rồi, chẳng biết lấy tiền đâu mà mua giống trồng mới”, một người dân xã Tân Châu buồn rầu cho biết.
Giảm lãi suất đối với những khoản vay ngân hàng
Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, trong đó rất nhiều hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng lớn.
Sau bão, mặt biển la liệt mảng lồng bè, phao xốp. Những lồng bè bị bão đánh xơ xác vừa được anh Bùi Văn Vương, khu 5 phường Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) kéo về với ánh mắt thất thần, buồn không sao tả xiết. Anh không tin đây là sự thật, bởi chỉ sau 4 tiếng bão quần thảo khiến tài sản của gia đình anh tích cóp cả đời đã không còn.
Anh Vương kể trong nước mắt: “Gia đình tôi có 70 lồng bè nuôi cá song trên cửa biển sông Hốt tại thị xã Quảng Yên sắp đến kỳ thu hoạch, ước tính khoảng 100 tấn cá, với giá trị hơn 10 tỷ đồng. Vậy smà bão số 3 đã lấy đi tất cả. Bao công sức, tiền của chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đã bị cuốn bay.
Không chỉ mất toàn bộ số vốn tích cóp được, điều tôi lo nhất là khoản vay ngân hàng gần 5 tỷ đồng đầu tư vào nuôi cá song giờ không biết lấy tiền đâu để trả gốc và lãi. Trước mắt, gia đình nhờ anh em hỗ trợ đánh bắt lại được ít cá, đồng thời gia cố, sửa chữa lại lồng bè để tới đây sẽ tái sản xuất”.
Anh Vương cho biết thêm, sau bão, các cấp chính quyền địa phương cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình, bước đầu thống kê thiệt hại và xem xét những đề xuất trong việc khoanh nợ, giãn nợ ngân hàng, hỗ trợ con giống để anh có thể khôi phục sản xuất.
“Tôi rất mong những việc này cần được thực hiện sớm để những hộ nuôi trồng thủy sản như chúng tôi nhanh chóng ổn định, từng bước khôi phục cơ sở vật chất bị thiệt hại, đặc biệt là việc xem xét khoanh nợ và giảm lãi suất đối với những khoản vay ngân hàng”, anh Vương kiến nghị.
Cùng cảnh ngộ như anh Vương, gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn ở khu Bãi Già (xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội). Chỉ sau một đêm nước lũ dâng cao do hoàn lưu sau bão số 3, 80.000 con gà đang đẻ trứng và chuẩn bị xuất chuồng của gia đình ông đã bị nhấn chìm, chết sạch, ước tính thiệt hại tiền gà và khoảng 140 tấn cám bị mục, trang thiết bị điện bị ngập nước... lên tới 14 tỷ đồng.
Trước khi xảy ra trận lũ lịch sử lần này, trang trại của ông Đoàn đang tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân. Sau khi xảy ra vụ việc, toàn bộ công nhân đã phải nghỉ làm, rơi vào cảnh thất nghiệp.
“Sau khi khắc phục hậu quả do bão, gia đình tôi có nguyện vọng được tiếp tục chăn nuôi để thu hồi vốn và có nguồn trả nợ ngân hàng cũng như tạo điều kiện duy trì công ăn việc làm cho công nhân. Tôi mong được ngân hàng hoãn, giãn nợ cho tôi và các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ một phần thiệt hại về tài sản, tạo điều kiện cho gia đình ổn định để tái sản xuất”, ông Đoàn nói.
Tạo điều kiện cho người dân
Trước những thiệt hại to lớn của các hộ nông dân, các cấp, ngành và chính quyền các địa phương nhanh chóng vào cuộc thống kê thiệt hại, hướng dẫn bà con tu sửa lại cơ sở sản xuất, xử lý môi trường để tiếp tục sản xuất trong thời gian sớm nhất. Đồng thời thăm hỏi, động viên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các hộ dân kịp thời tháo gỡ khó khăn trước mắt; tạo điều kiện tối đa giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để tái sản xuất.
Tại Quảng Ninh, BCH Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ trương dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh khắc phục hậu quả bão số 3. UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các ngân hàng có cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp...
Tại Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 143 của Chính phủ, thành phố đã bố trí 2.566 tỷ đồng để hỗ trợ và khắc phục hậu quả bão; trong đó, đã hỗ trợ ngay cho các huyện 220 tỷ đồng và đưa vào các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới khoảng 2.346 tỷ đồng. Trong đó, bổ sung cho các quỹ là 1.290 tỷ đồng (qua Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Khuyến nông); hỗ trợ khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 02 của Chính phủ khoảng 148 tỷ đồng.
Thùy Hương - Thanh Hòa
Báo Lao động và Xã hội số 118