Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Phát huy tiềm năng, lợi thế “đất trăm nghề”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Phát huy lợi thế vùng đất "trăm nghề", các làng nghề ở Hà Nội đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu, nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Thủ đô Hà Nội là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hiện toàn thành phố có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã.

trong hoa.jpg
 Người dân chăm sóc hoa giấy tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội 

Trong đó, 274 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề, gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 197 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 5 làng nghề.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội, sự phát triển làng nghề tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ việc làm đối với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em.

Theo tổng hợp báo cáo từ 24 quận, huyện, thị xã, tổng doanh thu của làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng/năm.

Những năm qua, các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá đạt 1.209 tỷ đồng…

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, phổ biến từ 4 - 5,5 triệu đồng/lao động/tháng, như làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng; làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất), thu nhập bình quân đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng; điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) có mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng; Làng nghề trồng hoa giấy Phù Đổng (huyện Gia Lâm) có thu nhập bình quân 26 triệu đồng/người/tháng; Làng nghề hoa mai trắng thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) có thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/tháng.

Để khẳng định bản sắc riêng nghề dệt lụa ở Vạn Phúc (quận Hà Đông) đồng thời phát triển du lịch bền vững, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Ngoài ra, nơi đây đã thành lập Hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc sử dụng vải lụa vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, làng có khoảng 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, làng lụa Vạn Phúc còn gắn kết với du lịch, dịch vụ như: Kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp khách hàng thấy được giá trị chất lượng của sản phẩm lụa nơi đây để yên tâm lựa chọn mua sắm. 

Mặc dù mang lại giá trị kinh tế lớn, song các làng nghề của Hà Nội vẫn được nhìn nhận là chưa phát huy được hết thế mạnh. Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, một trong những hạn chế lớn nhất của làng nghề truyền thống của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung là chưa cải tiến mạnh về mẫu mã, thiết kế; có nơi chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường, số lượng, nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm.

Để thúc đẩy phát triển, hỗ trợ làng nghề, TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề TP Hà Nội để làm cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển làng nghề; thống nhất chủ trương xây dựng Đề án phát triển tổng thể làng nghề trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến 2050...

Minh Châu

Báo Lao động và Xã hội số 96

Tin liên quan