Đó là mục tiêu theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn lợi thuỷ sản suy giảm do khai thác vượt ngưỡng
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong những thập kỷ qua, kinh tế thủy sản đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp 25% GDP cho ngành nông nghiệp, góp phần đưa Việt Nam lọt top 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, ngành thủy sản nói chung và nghề khai thác hải sản đang đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, quy mô nghề cá nhỏ, manh mún, lạc hậu...
Nguồn lợi thủy sản hiện nay suy giảm khoảng 20% so với 20 năm trước do hoạt động khai thác vượt ngưỡng.
“Một trong những nguyên nhân của tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản là do mất cân đối giữa khai thác và khả năng phục hồi của nguồn lợi. Tài nguyên hải sản xa bờ của Việt Nam rất phong phú, trong khi đội tàu nước ta năng lực yếu, chủ yếu khai thác ven bờ, vùng lộng, cường lực khai thác vượt ngưỡng cho phép” - ông Vũ Duyên Hải nói.
Ông Vũ Duyên Hải cho hay, thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay đã có 28 tỉnh, thành phố ven biển, nghiêm túc thực hiện chính sách tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cho đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá đối với tàu cá làm nghề cấm, nghề hạn chế phát triển theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt là không bổ sung các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản.
Điển hình là lưới kéo, lưới rê là những nghề xâm hại nguồn lợi và hệ sinh thái. Các địa phương đều xác định và đã xây dựng tiêu chí đặc thù nhằm hạn chế phát triển, đặc biệt là nghề lưới kéo.
Do đó, các tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức triển khai thực hiện tốt việc cắt giảm những tàu cá làm nghề lưới kéo có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tàu cá có tuổi thọ từ 15 năm trở lên…
Việc xác định loại nghề hạn chế phát triển và thực hiện cắt giảm tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê đã góp phần điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hải sản theo hướng giảm dần các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái.
Các địa phương đã giảm số lượng tàu làm nghề lưới kéo từ khoảng 20% (năm 2020) xuống còn khoảng 17% (năm 2024) và tiếp tục thực hiện cắt giảm để giảm dần trong giai đoạn 2026 - 2030.
Qua đó, số lượng tàu cá toàn quốc đã giảm trung bình 0,6%/năm. Trong giai đoạn này, có 12/28 địa phương ven biển có số tàu cá giảm dần như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Trị, Cà Mau…
Tuy nhiên, ông Vũ Duyên Hải cũng cho biết, chính sách giảm khai thác (giảm tàu cá) chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tại các địa phương.
Việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, cắt giảm tàu cá tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, số lượng tàu khai thác được chuyển đổi nghề còn rất thấp.
Chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng
Ông Vũ Đức Cẩn ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bỏ nghề biển chuyển qua nuôi trồng thủy sản trên biển hơn 10 năm nay. Từ vài lồng bè ban đầu, đến nay ông đã phát triển lên 40 lồng trên tổng diện tích khoảng 2.000m2 mặt nước biển ở làng bè khu vực cầu Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.
Các loài cá chủ lực ông Cẩn đang nuôi là cá mú, cá bớp và cá chim. Tổng sản lượng cả khu lồng bè khoảng 30 tấn/năm, sau khi trừ chi phí (thức ăn, nhiên liệu, nhân công...) ông Cẩn còn lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.
Cũng như ông Cẩn, từ năm 2021, ông Nguyễn Quý Trọng Bình ở TP Vũng Tàu đã chuyển sang mô hình nuôi hàu, cá biển trên sông Chà Và (xã Long Sơn) với diện tích 1ha. Vào cuối năm 2022, ông Bình đã phát triển thành hợp tác xã (HTX) Như Ý Long Sơn với 7 thành viên.
HTX đã mở rộng diện tích nuôi lên 5ha, sản lượng khoảng 900 tấn/năm và phát triển thành mô hình nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái. HTX cũng mở rộng liên kết với 18 hộ nuôi lồng bè khác để bao tiêu hải sản cho bà con.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, có số lượng lớn tàu khai thác hải sản. Tính đến tháng 9, toàn tỉnh có 4.345 tàu cá.
Trong đó, nghề lưới kéo chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 30,6% tổng số lượng tàu; nghề lưới rê chiếm 26%; nghề câu 13,6%; nghề lưới vây, lồng bẫy và nghề hậu cần thủy sản cùng có tỷ lệ khoảng 5%, nghề chụp chiếm tỷ lệ 2%...
Thực hiện các quy định về quản lý khai thác thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, thời gian qua tỉnh đã giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh để giảm cường độ khai thác.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã giảm hơn 1.900 tàu cá, hiện còn 4.345 tàu (giảm hơn 30%), trong đó 60% hoạt động vùng khơi.
Là địa phương có đội tàu lớn nhất cả nước nên việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân đang là áp lực lớn với Kiên Giang.
Với mục tiêu đến năm 2025 phải thực hiện cắt giảm 2.550 tàu cá hoạt động xâm hại nguồn lợi, hoạt động không đúng quy định, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi một số nghề phù hợp như: Nuôi trồng thủy sản trên biển, dịch vụ hậu cần nghề khai thác thủy sản.
Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ vốn vay cho ngư dân chuyển đổi từ hoạt động khai thác thủy sản sang nghề khác thân thiện với nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, sau hơn 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế đã triển khai xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược, đề án chuyển đổi nghề.
Và thực hiện một số mô hình chuyển đổi sinh kế tại các cộng đồng ngư dân ven biển theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã thu được những kết quả tích cực.
Một số mô hình chuyển đổi nghề đã phát huy hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng ngư dân và các thành phần kinh tế - xã hội khác tại các địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định...
Về nuôi trồng thủy sản trên biển, đến nay đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi ngành hàng.
Nhiều công nghệ mới, hiện đại được ứng dụng trong nuôi biển như: Công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín, kiểm soát môi trường; công nghệ nuôi lồng công nghiệp…
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 156