Nỗ lực vươn lên không mệt mỏi
Khi mới 6 tháng tuổi, chị Đinh Thị Quỳnh Nga bị ngã. Do sơ xuất, bác sĩ tiêm vào dây cơ dẫn đến teo liệt 1 bên chân của chị, khiến chân trái ngắn hơn chân phải 3cm.
Suốt tuổi thơ, chị từng mặc cảm và rất tự ti với khiếm khuyết của cơ thể. Đến giờ, chị Nga vẫn nhớ như in câu nói trêu trọc của bạn bè khi đó: “Long lanh như bát nước chè; đẹp thì có đẹp nhưng què một chân”.
Năm 2001, tốt nghiệp ngành Sư phạm mỹ thuật Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, chị cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc khắp nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu khi biết chị khuyết tật ở chân.
Suốt 3 năm với 17 lần đi xin việc bị từ chối, chị đành tạm gác ước mơ dạy học chuyển sang làm trang trí hoa cưới.
Dù vậy, chưa khi nào chị từ bỏ ước mơ đứng trên giảng đường. Sau những ngày tháng ôn thi miệt mài, năm 2007, chị Nga thi đỗ công chức và trở thành giáo viên dạy mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).
Đây không chỉ là niềm vui được sống với đam mê giảng dạy mà còn nuôi dưỡng khát vọng mang lại hạnh phúc cho những người khuyết tật khác.
Tại mái trường đó, chị Nga chứng kiến nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, ra trường không có việc làm ổn định. Chị rất xót xa, thương cảm. Chị Nga tâm sự: “Nhìn các em, tôi như thấy hình bóng mình trong đó. Điều này đã thôi thúc tôi phải làm gì đó để tạo động lực và công việc cho các em nói riêng và người yếu thế nói chung”.
Năm 2009, chị Nga quyết định tập hợp 4 học sinh khuyết tật đã ra trường về thành lập nhóm Trái tim hồng.
Thời gian đầu, công việc chủ yếu của nhóm là in hoa khô, tranh sơn dầu và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sau nhiều cố gắng, năm 2015, chị Đinh Thị Quỳnh Nga chính thức thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng để tạo cơ hội và truyền cảm hứng giúp người khuyết tật vươn lên.
Thời gian đầu, chị Nga phải đến từng xã, gõ cửa từng nhà để thuyết phục các chị em khuyết tật đi làm. Rồi tiếng lành đồn xa, giờ đây, HTX đã trở thành địa chỉ tin cậy của những người yếu thế.
Sau 9 năm hoạt động, đến nay, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng đã tạo công ăn việc làm cho gần 200 người khuyết tật. Trong số 38 công nhân làm việc trực tiếp tại HTX có 34 người khuyết tật đến từ nhiều tỉnh, thành phố. Họ làm việc với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
“Khoản thu nhập hàng tháng có thể chưa cao so với người bình thường nhưng đây là nỗ lực của tất cả chúng tôi. Mức thu nhập hiện tại giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng”, chị Nga nói.
Tạo cơ hội cho người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng
Trên diện tích 1.000 m2 của HTX đâu đâu cũng là tiếng cười nói vui vẻ đan xen với tiếng máy móc hoạt động. Chị Mai Lan (34 tuổi, ở xã Hồng Kỳ) làm việc tại xưởng may. Chị Lan bị teo cơ cả 2 chân, phải dùng xe lăn để đi lại. “Tưởng chừng cuộc đời chỉ loanh quanh ở góc nhà thì tôi may mắn gặp được chị Nga.
Chị đã giúp tôi có chỗ ăn, chỗ ở và công việc ổn định. Khi sống và làm việc ở đây, chúng tôi được đối xử rất bình đẳng, điều đó giúp mọi người không cảm thấy tự ti và mặc cảm”, chị Mai Lan xúc động nói.
Chị Hoàng Thị Liên, Tổ trưởng Tổ trồng nấm cho biết: "Trời chẳng cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai mọi thứ. Tôi may mắn được biết và về làm việc cùng chị Nga.
Chị ấy đã đánh thức khả năng của tôi và tạo cho tôi sự tự tin. Tôi bị khuyết tật chân nên trước đây không bao giờ dám mặc váy, đi giày. Bây giờ, tôi đã xóa được mặc cảm đó, biết làm đẹp cho chính mình".
Chị Võ Thị Hải (SN 1995, đến từ Quảng Trị) rất khéo tay, có khả năng tạo hạt gỗ. Chị Hải bị khiếm thính từ nhỏ. Do hoàn cảnh khó khăn, Hải phải rời quê hương ra Hà Nội tìm việc làm. Chị bươn chải nhiều nơi, làm đủ việc nhưng chẳng nơi đâu ổn định.
Mãi tới năm 2015, cơ duyên đến khi Hải gặp chị Nga và được hỗ trợ đào tạo nghề làm hạt gỗ. Qua ngôn ngữ ký hiệu, chị Hải cảm ơn chị Nga cũng như các anh, chị đã giúp đỡ mình và coi HTX là "ngôi nhà thứ hai".
Cùng niềm vui và tự tin, cô gái khiếm thị Nguyễn Linh Chi (SN 1999, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn) nhờ chị Quỳnh Nga mà có được "một gia đình nhỏ", nơi mà ai cũng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Thu nhập của mỗi thành viên là 3 - 5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, HTX được Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội công nhận là "Cơ sở sản xuất - kinh doanh sử dụng 87% lao động là người khuyết tật".
Mỗi người khuyết tật khi đến học và làm việc tại HTX đều có những hoàn cảnh, số phận khác nhau; có người khoèo tay, tập tễnh, câm, điếc, người thiểu năng trí tuệ, bị cứng cơ hàm nên khó khăn trong giao tiếp...
Sau thời gian trải qua các khóa đào tạo tại HTX, hầu hết người khuyết tật đều có kỹ năng lao động, việc làm, thu nhập ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng, đời sống vật chất, tinh thần, vị thế trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên.
Vì vậy, với các thành viên HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng đã trở thành ngôi nhà chung, là mái ấm tình thương của nhiều người khuyết tật.
Đến nay, HTX Trái tim hồng có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; mỗi năm, sản xuất và tiêu thụ hàng chục nghìn sản phẩm với mức doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm, bao gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, may vỏ gối, nấm sò trồng tự nhiên.
Ông Nguyễn Quang Vệ, thành viên HTX cho biết: “Tình thương là điểm nối liên kết mọi người lại với nhau, là nguồn động viên và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn. Tình thương không chỉ tồn tại giữa các thành viên mà còn lan tỏa ra xã hội, kết nối mọi người với nhau thông qua sự đồng cảm và chia sẻ.
Những bức tranh, đồ trang sức và các sản phẩm thủ công không chỉ là kết quả của sự cống hiến và kiên trì mà còn là dấu ấn của một cộng đồng đoàn kết”.
Có được thành công như hôm nay, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, nhiều lúc chị Nga cũng muốn buông nhưng khi chứng kiến sự kiên trì, nghị lực của người khuyết tật lại không đành lòng. “Công việc trải qua bao khó khăn, thử thách. Nhiều lúc, tôi cũng thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc.
Nhưng với tình yêu thương các em cháy bỏng, tôi tự dặn lòng phải kiên trì dẫn dắt nhóm bước tiếp và ngày một phát triển, nâng cao tay nghề, mở rộng quy mô sản xuất, từ đó thu hút và tạo nhiều công ăn việc làm để người khuyết tật ở địa phương có thể ổn định cuộc sống”, chị Nga chia sẻ.
Đức Kiên
Báo Lao động Xã hội số 56