Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Ba điểm mới quan trọng, đảm bảo quyền hưởng an sinh xã hội của người dân

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2025 sẽ tăng thêm nhiều quyền, lợi ích cho người tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời, khắc phục căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, đồng thời bảo đảm tốt nhất quyền lợi người lao động (NLĐ) và người hưởng lương hưu.

Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 xuống 15 năm 

So với Luật BHXH 2014, Luật BHXH (sửa đổi) lần này có nhiều thay đổi theo hướng gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút NLĐ tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân.

Ba điểm mới quan trọng, đảm bảo quyền hưởng an sinh xã hội của người dân - 1
Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ cải cách với nội dung: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Qua khảo sát thực tiễn, một trong những nguyên nhân được chỉ ra đối với việc nhiều người hưởng BHXH một lần là do số năm tích lũy hưởng lương hưu 20 năm quá dài, làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của NLĐ.

Theo đó, Luật BHXH (sửa đổi) quy định NLĐ khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần.

Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động.

Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng BHXH, quy định mức tối đa là 75%; đồng thời quy định việc tính mức lương hưu hàng tháng của NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25%.

Với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh mức hưởng và trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ BHXH mua thẻ BHYT thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống của NLĐ, sẽ có thêm nhiều người được đảm bảo lương hưu và được hưởng BHYT khi về già.

Cùng với đó, Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã thể chế cơ bản Nghị quyết số 28/NQ-TW, quy định mở rộng 4 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

Thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương;

NLĐ làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; trường hợp NLĐ và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên...

Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, luật quy định giao UBTV Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ.

Hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí

Một trong những chính sách lớn được chờ đợi đó là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đồng thời, đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Với thiết kế tại Luật BHXH mới được Quốc hội biểu quyết thông qua đã bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ) hoặc đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Luật cũng bổ sung quy định chế độ đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Cụ thể, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đóng đủ 15 năm) và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng BHXH 1 lần hoặc không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hàng tháng từ chính khoản đóng của mình.

Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hàng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng được ngân sách nhà nước đóng BHYT.

Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định NLĐ tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Kinh phí thực hiện trợ cấp này do ngân sách nhà nước bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Sửa quy định hưởng BHXH một lần

Nhằm khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn như: Điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm).

Được hưởng trợ cấp hàng tháng và được ngân sách đóng BHYT trong trường hợp có thời gian đóng BHXH không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Đối với NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Như vậy, đối với nhóm NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (từ 1/7/2025) sẽ không được nhận BHXH một lần theo điều kiện này (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hoặc đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng).

Luật cũng bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm bảo đảm hơn nữa quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ, góp phần giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Trong đó, riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật…

Thực tế cho thấy, chính sách BHXH ngày càng đi vào cuộc sống và khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc “đóng - hưởng”, chia sẻ giữa các thế hệ và giữa những người tham gia BHXH, góp phần ngày càng quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền vận động mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, giải quyết kịp thời, chính xác các chế độ BHXH cho người thụ hưởng. Đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường thực hiện giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến; cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số, tạo thuận lợi cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan BHXH.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ tham gia, bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu.

Một trong những tính ưu việt của Luật BHXH 2024 là sự bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng BHXH đối với NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và NLĐ nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thông qua việc bổ sung quy định trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thời gian tham gia BHXH của NLĐ ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ BHXH.

Huyền Minh

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8

Tin liên quan