Kỳ 2 của loạt bài "Nhiều người già sống chật vật với lương hưu"
285 tỷ đồng chi tăng lương cho những người nghỉ hưu trước năm 1995
Từ ngày 1/7, ngoài việc điều chỉnh theo tỷ lệ chung đối với tất cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng tăng thêm 15% đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định của Luật BHXH, đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 còn được điều chỉnh thêm.
Với việc điều chỉnh nêu trên sẽ có khoảng 300.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng điều chỉnh do ngân sách nhà nước chi trả với kinh phí điều chỉnh khoảng 285 tỷ đồng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc thực hiện điều chỉnh thêm đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 mà có mức hưởng dưới 3,5 triệu đồng/tháng được xác định là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung.
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối.
Cụ thể, những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% theo mức điều chỉnh chung mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng trở xuống; tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các đối tượng nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng thì tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm theo mức tiền cụ thể.
Từ thực tiễn thực hiện chính sách BHXH đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động (NLĐ).
Tuy nhiên, với đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm đó nên phần lớn NLĐ nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định sau đó được Nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung (mức trợ cấp BHXH hằng tháng của người đang hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 613/QĐ-TTg khoảng 1,9 triệu đồng/người/tháng).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh này cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH: “Quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Việc xác định mốc 3,5 triệu đồng/người/tháng để làm căn cứ điều chỉnh được tính toán dựa trên mức 3 triệu đồng/người/tháng quy định tại Nghị định số 42/2023/NĐ-CP và thực hiện việc điều chỉnh tăng 15%.
Về việc xác định mốc điều chỉnh 3,5 triệu đồng/người/tháng đã được báo cáo Chính phủ khi xây dựng phương án và thời điểm điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp ưu đãi NCC trong năm 2024.
“Mục đích của điều chỉnh tiền lương là để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ nên thường được điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Trong khi điều chỉnh lương hưu nhằm mục đích đảm bảo giá trị của lương hưu nên thường được điều chỉnh dựa trên CPI”, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.
Nhà nước đặc biệt quan tâm đến người hưởng lương hưu
Nhận lương hưu được tăng từ tháng 7, người thụ hưởng rất vui mừng, phấn khởi. Về hưu đã hơn 20 năm, ông Trịnh Hữu Thắng (SN 1950, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương và theo quan sát của ông thì mỗi kỳ điều chỉnh, mức tăng của các nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu là tương đương nhau.
Điều này tạo sự đồng thuận, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều. Trước thông tin tăng lương hưu 15%, ông Thắng cho rằng, mức tăng này là hợp lý, đảm bảo tốt vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95%.
Là người nghỉ hưu trước năm 1995 và lần này được điều chỉnh tăng lương 2 lần để được hưởng mức 3,5 triệu đồng/tháng, bà Đồng Thị Hồng (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bà rất phấn khởi khi được tăng lương hưu đợt này.
“Việc Chính phủ thường xuyên ban hành quy định điều chỉnh mức hưởng lương hưu đã và đang góp phần quan trọng nhằm ổn định cuộc sống cho người nghỉ hưu, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với NLĐ khi hết tuổi lao động.
Những người về hưu như chúng tôi, nguồn chi tiêu phục vụ cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào khoản tiền lương hưu hằng tháng. Do đó, khi lương hưu tăng, chất lượng cuộc sống của chúng tôi cũng có cơ hội tăng và không phụ thuộc vào con cháu”, bà Hồng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Đinh Tiến Vinh (số 86 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, vợ ông là bà Vũ Thị Khoát (80 tuổi) cũng được tăng lương hưu 2 lần để đạt mức hưởng 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là niềm vui của những người nghỉ hưu trước năm 1995 khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, giúp họ có cuộc sống an yên, vui vẻ, ít phải phụ thuộc vào con cháu.
Với mức điều chỉnh lương hưu lần này, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, việc điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH dự kiến 15% là cố gắng rất lớn của Chính phủ.
Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương hưu. Đây cũng là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995, có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, việc điều chỉnh đồng bộ này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện những định hướng, mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH.
Theo Nghị quyết, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.
Tăng lương lần này có sự điều chỉnh cao so với những lần trước đây, đáp ứng một phần mong muốn của những người nghỉ hưu, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quỹ BHXH đối với những người nghỉ hưu. Việc tăng 15% cũng sẽ giúp cuộc sống của người nghỉ hưu được cải thiện và đảm bảo hơn, mang lại sự tích cực trong xã hội.
Trong quá trình tăng lương hưu, Nhà nước luôn quan tâm đến những người có mức lương hưu thấp, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước năm 1995 do mặt bằng tiền lương thấp. Nhà nước cũng đã có nhiều lần điều chỉnh, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách nhất định.
Tôi cho rằng lần này điều chỉnh tăng sẽ đáp ứng được mong muốn của những người nghỉ hưu, đặc biệt người nghỉ hưu lâu năm, nhiều tuổi có tiền lương thấp như những người nghỉ trước năm 1995.
Ngay khi có kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi NCC và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7, BHXH Việt Nam đã chuẩn bị các phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo mức hưởng mới ngay từ đầu tháng 7. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, toàn ngành BHXH bảo đảm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo mức hưởng mới kịp thời, chính xác theo đúng văn bản quy định của Chính phủ, Quốc hội. Thời gian thực hiện các nội dung công việc chuẩn bị cho việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo mức hưởng mới diễn ra trong thời gian rất gấp, trong khi số người hưởng lại rất đông, đa dạng. Do đó, các đơn vị phải chủ động xây dựng các phương án tổ chức thực hiện một cách chu đáo, bảo đảm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH với mức hưởng mới đến người hưởng một cách kịp thời, chính xác và an toàn. |
Huyền Minh
Báo Lao động Xã hội số 79