Theo số liệu của Bộ Công an, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 người thiệt mạng ngay tại hiện trường tai nạn giao thông. Còn số người bị thương nặng rồi được đưa đi cấp cứu và sau đó không qua khỏi cao gần gấp đôi số người thiệt mạng ngay tại hiện trường. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra tổng cộng 8.204 vụ tai nạn giao thông, bình quân một ngày có 45 vụ tai nạn giao thông làm chết 21 người và 35 người bị thương. Con số này tuy có giảm đi chút ít so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ nghiệm trọng của các vụ tai nạn giao thông không hề thuyên giảm. Vẫn có những người ra khỏi nhà và không trở về, vẫn có những đứa trẻ mất cha mẹ, những người mẹ mất con do tai nạn giao thông. Nhưng không có lựa chọn nào khác, chúng ta không thể ngừng ra đường. "Ai cũng muốn được về nhà" - Một mong muốn giản đơn nhưng không ai dám chắc. Điều đó thể hiện một sự bất lực của chúng ta khi ra đường, sự bất lực xuất phát từ hiện trạng giao thông.
Theo Đài Truyền hình Việt Nam, trong một chương trình Cất cánh của năm 2018 với chủ đề "Chúng ta đang đi như thế nào?", thông điệp về ý thức của người tham gia giao thông, về cách mà chúng ta vẫn hàng ngày hàng giờ đi trên đường đã được truyền tải và lan toả rộng rãi tới hàng triệu hàng triệu khán giả truyền hình cả nước. Một năm đã trôi qua, ê kíp thực hiện Cất cánh sẽ quay trở lại đề tài này nhưng ở một góc nhìn khác tươi sáng và tích cực hơn. Cất cánh tháng 9 với chủ đề "Ai cũng muốn được về nhà" sẽ chia sẻ cùng khán giả những câu chuyện về văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông và những điểm sáng trong cách chúng ta ứng xử với nhau khi đi trên đường.
Theo dõi Cất cánh tháng 9 với chủ đề "Ai cũng muốn được về nhà", khán giả được cùng lắng nghe câu chuyện về những đêm trắng ở khoa cấp cứu cùng những công việc một bác sĩ trong ca trực phải thực hiện. Vào dịp nghỉ lễ, có đêm cả trăm bệnh nhân nhập viện đều do cùng một nguyên nhân là tai nạn giao thông. Theo bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, sau nhiều đêm trắng trực cấp cứu đã ghi nhận nguyên nhân tai nạn giao thông phần lớn đều do chính người tham gia giao thông như lái xe sau khi đã uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, thậm chí đánh nhau sau khi xảy ra va chạm trên đường… Hai anh Nguyễn Hữu Lợi, Đội trưởng Đội SOS 117, tỉnh Đồng Nai – người được mệnh danh là những khắc tinh của đinh tặc trên đường, anh Lợi và các thành viên của SOS 117 đã ứng cứu thần tốc những pha dính đinh phải vá lốp trong đêm khuya. Các anh cũng chính là ân nhân cứu tinh của biết bao trường hợp bị tai nạn giao thông rất cần sự trợ giúp giữa đường, tưởng chừng như đơn độc một mình của các nạn nhân. Những bạn trẻ được mệnh danh là hiệp sĩ bóng đêm đã gieo lại niềm tin về tình người và sự tử tế qua những hành động nghĩa hiệp cao cả đáng trân trọng.
Lần đầu tiên xuất hiện trên đường băng Cất cánh tháng 9, KTS Nguyễn Đức Hiệp chính là người đã cùng hơn 10000 thành viên của Hội Cựu học sinh cấp 3 Hà Nội, niên khóa 1991 – 1994 đã dấy lên phong trào "Đã uống rượu bia, không lái xe" sau khi 2 người bạn đồng niên bị tai nan tại hầm chui Kim Liên - vụ tai nạn giao thông thương tâm gây chấn động dư luận vào rạng sáng 1/5/2019. Để sự ra đi của 2 người bạn không trở nên vô nghĩa, KTS Nguyễn Đức Hiệp cùng "những người ở lại" tổ chức một cuộc đi bộ quanh Hồ Gươm với sự tham gia ủng hộ của hàng nghìn người và sự vào cuộc của Ủy ban ATGT Quốc gia và UBND thành phố Hà Nội cùng nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan. Điều bất ngờ là, phong trào ấy không chỉ được thực hiện trong cộng đồng hơn 10 nghìn thành viên Hội Cựu học sinh cấp 3 Hà Nội, niên khóa 1991 – 1994 mà nó nhanh chóng được rất nhiều cộng đồng trên mạng xã hội khác chia sẻ…
Có thể nói, Cất cánh tháng 9 với chủ đề "Ai cũng muốn được về nhà" là câu chuyện về văn hóa giao thông, về những cách ứng xử với nhau trên đường không chỉ dừng lại ở những hội nhóm với quy mô nhỏ như biệt đội SOS117, Hội Cựu học sinh cấp 3 Hà Nội, niên khóa 1991 – 1994 mà những thông điệp manh mẽ của những câu chuyện ấy đã, đang và sẽ lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.