Trong quá trình phát triển, văn chương đóng góp quan trọng bồi đắp, gìn giữ nền văn hóa ấy. Hàng chục nhà văn ở nhiều giai đoạn đã khắc tên tuổi của mình vào dòng chảy văn chương đất kinh kỳ, tạo nên sự đa phong cách, giọng điệu.
Nền văn chương lâu đời

Từ nhiều năm trước, những áng văn viết về Hà Nội không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn thể hiện hào khí, tính cách của con người Thủ đô trong đấu tranh bảo vệ đất nước, giữ yên bờ cõi, xây dựng và phát triển văn hóa, ca ngợi vẻ đẹp phụ nữ.
Có thể điểm qua một số tác giả từ thế kỷ thứ XVIII - XIX với những tác phẩm nổi bật là: “Thượng kinh ký sự” của Lê Hữu Trác; “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái (các tác giả thuộc họ Ngô Thì như Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Trí... quê ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì).
“Hoàng Lê nhất thống chí” là bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, phản ánh, miêu tả hiện thực nước nhà suốt 30 năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX mà nổi bật là sự kiện nổi dậy với chiến công hiển hách của phong trào nông dân Tây Sơn, đứng đầu là người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ sau khi đánh tan 20 vạn quân Thanh, lên ngôi hoàng đế.
Ở Hà Nội, thời gian qua không ít người tìm lại những “phố hàng ăn” và đưa mình vào trải nghiệm ở những nơi mà thế hệ Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân (giai đoạn 1930 - 1945 và sau đó nữa) đã đi qua. Họ đi tìm những “nhãn quan ẩm thực” trong vốn truyền thống, trong văn của thế hệ các nhà văn đi trước. Bởi thế, có nhà văn ở mạn phía nam Hà Nội nhất thiết phải tìm đến những quán ở trung tâm thành phố để ăn sáng, theo kiểu “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng”.
Người Hà thành thuộc diện sành ăn bậc nhất. Có lẽ vì thế, chuyện ăn uống ở đất Hà thành đã đi vào những áng văn trác tuyệt của nhiều nhà văn. Sau này, các nhà văn đương đại cũng đã dành tâm huyết để khai thác đề tài đô thị, đồng thời cố gắng nhắc lại văn hóa ẩm thực, chuyện ăn uống nơi thành phố hơn nghìn tuổi. Điều đó cũng có nghĩa họ có công bởi đã và đang nối dài dòng văn chương về ẩm thực Hà thành.
Viết về ẩm thực với hai tác phẩm nổi trội “Miếng ngon Hà Nội”, “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng đã cho thấy một giọng văn thấm đẫm tình cảm. Ông viết về sản vật theo mùa. Sau khi về sống ở miền Nam, nỗi nhớ miền Bắc, nhớ Hà Nội ông đã gửi vào từng trang viết.
Với Vũ Bằng, món ăn không chỉ là những gì làm ta no bụng mà ông còn đón nhận, cảm nhận, lưu giữ những xúc cảm về nó bằng tất cả sự trân trọng thiêng liêng. “Miếng ngon Hà Nội” trong ký ức tác giả vừa dân dã, vừa chất chơi. Đọc “Miếng ngon Hà Nội” thời nào cũng có thể cảm nhận được những món quà đó rất ngon, ngon tuyệt vời, ngon đến mức vừa đọc vừa nuốt nước miếng và phải tìm cách để được thưởng thức.
Những tên tuổi tiếp nối truyền thồng
Tính từ năm 2000 đến nay, hàng trăm cuốn sách viết về Hà Nội được xuất bản. Cảm giác như kho cảm hứng về thành phố nghìn năm sẽ không bao giờ vơi cạn. Tiếp nối những áng văn của các nhà văn thuở trước, đội ngũ tác giả đương đại đã cho ra mắt các tác phẩm như: “Con giai phố cổ” của Nguyễn Việt Hà; “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội” của Nguyễn Ngọc Tiến; “Hà Nội thì không có tuyết” của Đỗ Phấn; “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Hà Nội là Hà Nội”, “Mỗi góc phố một người đang sống”, “Còn ai hát về Hà Nội” của Nguyễn Trương Quý; “Thương thế ngày xưa” của Lê Minh Hà; “Hà Nội một thời tuổi trẻ” của Trần Văn Thụ…
Mỗi tác giả một giọng điệu. Có người chuyên viết về món ăn, thú chơi với chất văn khảo cứu sâu sắc, có số liệu cụ thể, thậm chí như viết biên niên về Hà thành. Hà Nội đang trở thành đề tài thời thượng, như lời nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ: “Một thành phố sống động đến như thế có viết nhiều đời vẫn không hết chuyện. Hôm nay, ta quan tâm đến một câu chuyện Hà Nội hoặc những câu chuyện về Hà Nội trong quá khứ thì chuyện mới vẫn xảy ra hàng ngày. Đấy mới chỉ là về mặt thông tin mà thôi”.
Nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, Hà Nội là đề tài vô tận mà bản thân ông khai thác mãi không hết. Vậy nên, 25 cuốn sách của Đỗ Phấn về Hà Nội có nhiều tạp văn viết về một thời còn trong veo, với nết ăn, nếp ở cùng cách đối nhân xử thế. Nhiều nhà văn đã và đang viết về Hà Nội trong quá trình đô thị hóa mau lẹ.
Thành phố cũng đang tích cực xây dựng đô thị thông minh, thách thức rất lớn. Mỗi nhà văn với tư cách là công dân Thủ đô đều có trách nhiệm làm giàu thêm để tôn bồi giá trị trong bối cảnh rất nhiều lối ứng xử đẹp của thành phố đã mất đi. Sự lấn át của các loại hình giải trí, sự nhạt phai trong mối quan hệ xã hội và bản sắc của mảnh đất văn hiến rất cần những tiếng nói, sự đóng góp của các nhà văn.
Để gìn giữ thương hiệu

Xét đến cùng, nền văn chương Thủ đô Hà Nội là một thương hiệu lớn với số lượng tác giả, tác phẩm đồ sộ. Nhưng dù sao, có những năm vì nhiều nguyên do khác nhau, chất lượng sáng tác không đều và thiếu đỉnh cao. Nhà văn Nguyễn Hiếu bày tỏ: “Phải nhìn nhận rằng tố chất, cốt cách Hà Nội trong ba, bốn thập niên gần đây dần nhạt trong mảng văn chương về Hà Nội. Có khi lấy đối tượng phản ánh, mô tả về đất, về người Hà Nội nhưng lại không thể hiện được tính chất, cả tính cách người và vùng đất Hà thành”.
Đề đạt giải pháp để nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học, nhiều ý kiến cho rằng cần lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, nhân vật trung tâm, không khí trong các tác phẩm văn chương phải mang bản sắc Hà Nội, nhất là chân dung người trí thức.
Trong bối cảnh hôm nay, phẩm chất của dạng nhân vật này cần được coi là trọng tâm của sáng tạo văn học. Thứ hai, đội ngũ người cầm bút phải luôn hết mình trong sáng tạo, thể hiện trách nhiệm, lương tâm trước đời sống, thể hiện tình cảm yêu dấu của mình với Thăng Long - Hà Nội.
Thứ ba, cần đầu tư vào lớp nhà văn trẻ đang sống và viết tại Hà Nội. Nhà văn nói chung và nhà văn trẻ nói riêng cần đi sâu vào thực tế hơn, tìm hiểu, lắng nghe những chuyển dịch của đời sống để viết những áng văn đủ sức lay động đông đảo bạn đọc.
Trong một cuộc trò chuyện, nhà văn Nguyễn Trương Quý trải lòng: “Hà Nội bây giờ đang xây dựng một hiện trạng mới. Tôi nghĩ là đang có rất nhiều vấn đề, nhiều mâu thuẫn, xung đột nhưng có lẽ sự phát triển nóng ấy đang là một cách tổ chức, sắp xếp lại các mối quan hệ xã hội.
Nói cho công bằng thì các cơ quan quản lý cũng cho thấy đã cố gắng từng bước tháo gỡ cái mớ bòng bong ấy. Dù không phải lúc nào cũng thành công nhưng họ cũng có ý thức xây dựng một khung cảnh văn hóa…”.
Hiện nay, một lớp 30 người viết trẻ đang sinh sống, làm việc trên địa bàn và chuyên viết về Hà Nội. Nhà văn trẻ Đặng Thiên Sơn cho rằng, văn chương trẻ Hà Nội gồm những người yêu và viết về đề tài Hà Nội đang tích cực sáng tạo và công bố tác phẩm, dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều đó cho thấy sự tiếp nối truyền thống rất đáng trân trọng.
Đô thị Hà Nội phát triển mau chóng và có nhiều thay đổi theo thời gian. Văn chương đề tài đô thị cũng phải thay đổi, phát triển tương xứng. Cuộc sống mới, đô thị văn minh đang chờ đợi, đòi hỏi sáng tác mới của những nhà văn đương đại, trong đó có các nhà văn trẻ đầy năng lượng và tình yêu với Thủ đô.
Vũ Thảo
Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8