Tết, với mình, giờ còn là một câu chuyện từ khi mình có Haro. Một câu chuyện mà mình biết rằng sẽ có phần mở đầu, thân bài và kết luận. Như thể nó là một bài tập làm văn của một người lớn và của cả một đứa trẻ.
Trong bài tập làm văn ấy, có cả phần ký ức cũng như những chiêm nghiệm thực tế của người lớn - là mình - với Tết của ngày xưa và hôm nay. Cũng có cả những háo hức, hiểu biết và trải nghiệm của Haro về cái gọi là Tết của người Việt - một lễ hội, một khoảnh khắc cũng đồng thời là một nét văn hóa không lẫn vào đâu được trong một thế giới phẳng.

Tết có thể bắt đầu với những hoạt động lễ hội nho nhỏ ở trường lớp của Haro. Nơi đó sẽ có một góc sân trường được thiết kế với mái nhà tranh, câu đối đỏ, nồi bánh chưng và những cặp dưa hấu đỏ… Nhưng điều quan trọng là Haro sẽ bắt đầu có bài tập về việc thiết kế một tấm thiệp mừng Tết. Đó chính là lúc câu chuyện Tết bắt đầu…
Có thể những ngày khác trong một năm dài, câu chuyện trên bàn ăn tối hoặc trước khi đi ngủ với Haro là những câu chuyện bạn bè, thầy cô, bài thi… Nhưng vào những ngày giữa tháng Chạp, khi kỳ thi học kỳ I đã hoàn thành, cũng là lúc mình bắt đầu say mê kể cho Haro nghe về không khí Tết của ngày xưa ở quê.
Một đứa trẻ sinh ra ở thành phố, có thể ăn được mứt gừng, mứt bí, bánh chưng, bánh tét, hạt dưa… vào bất kỳ khoảng thời gian nào trong năm, miễn là chịu khó bước chân ra siêu thị.
Thế nên, từng mảng ký ức vạt nắng, mùi gừng sên trong gió, tiếng đập cốm nổ vang lên ở đầu xóm… đều phải được kể thật tường tận, chi tiết. Bao giờ cũng vậy, lúc mình kể cho Haro nghe về Tết, mình xem như đang đọc một cuốn sách cho con…
Thế nên, phải cố gắng làm sao cho giọng đọc thật hấp dẫn, hài hước nhưng cũng tình cảm; còn phải chừa ra những khoảng trống cho Haro hỏi, vì sao thế này, tại sao thế kia…
Rồi Tết sẽ chầm chậm khai hội khi trường thông báo trẻ con được nghỉ học. Đó cũng là lúc những chợ hoa Tết được mở ra, phố ông đồ xuất hiện rộn ràng, những tà áo dài xuống phố để chụp ảnh…
Mình với Haro, những buổi sáng, ngồi ở một góc cà phê ngắm phố phường. Một chút thời gian cho hương vị cà phê đầu ngày, sau đó sẽ cùng nhau lang thang vào chợ hoa Tết, rồi giải thích cho con từng ý nghĩa của các loài hoa. Lại kể cho Haro vì sao người Việt cứ đến Tết lại thích mua hoa về cắm trên bàn thờ, chưng ở một góc nhà…
Hoa dành cho mùa Xuân, lẽ tự nhiên là thế. Hoa cho ngày Tết lại là một tập tục rất ý nghĩa ở cả góc độ tâm linh lẫn góc độ thưởng ngoạn của người Việt Nam.
Cho đến lúc đấy mới thấy, những câu đối, lời chúc… trên các phong bì mừng tuổi, tấm giấy xuyến ở phố ông Đồ, bỗng chốc trở thành những bài học về tiếng Việt rất phong phú.
Cũng có lúc, mình cần phải tra google để trả lời, giải thích cho ý nghĩa câu này, chữ kia… khi Haro hỏi ý nghĩa của những câu chữ ấy là gì; vì sao mọi người lại thích viết những câu đó, chữ đó… treo lên trên tường nhà vào những ngày đầu năm mới?
Và Tết, ấm áp cùng trọn vẹn khi đêm giao thừa đến. Khi ấy, mình nói với Haro một chút về cách mọi người cúng kiếng đêm giao thừa. Nhưng trước đó, vào buổi chiều ngày cuối năm, hai ba con đã cùng nhau trang hoàng cho chậu mai nơi góc nhà với một ít phong bì lì xì treo lên, rồi thỏi vàng, hình ông Thần tài, phong pháo…
Phong bì mừng tuổi cho Haro đầu năm mới kèm theo lời chúc mong cho con một năm mới khỏe mạnh, vui vẻ và học thật tốt… đã trở thành một câu chúc rất thường xuyên.
Và mình cũng mong con nhận ra sự quen thuộc trong từng lời chúc ấy để biết rằng, mọi hành trình trong cuộc đời này đều phải dựa vào năng lực của chính mình mà đi. Chỉ cần khỏe mạnh, vui sống và thấu hiểu bản thân… thì chân trời hay góc bể đều chỉ là một con đường với những bước chân đi rất nhẹ nhàng.
Mỗi con người là một sứ mệnh, cứ làm tốt sứ mệnh ấy và hạnh phúc với lựa chọn của mình. Đó là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi mình sẽ sống như thế nào trong một năm mới sắp tới đây.

Tết không chỉ kết thúc bằng những ngày đếm theo số mùng 1, mùng 2, mùng 3… ngắn ngủi. Mà Tết chỉ kết thúc, khi Haro sau những ngày trở lại trường lớp, một buổi cơm tối chợt nói với mình: “Tự dưng con nhớ Tết quá ba, thèm những ngày nghỉ thật vui, thật đã... Mới đó mà Tết đã qua rồi, con lại thêm một tuổi, lại lớn nhanh…”.
Bữa tối hôm ấy, mình với Haro lục lại những chi tiết của câu chuyện Tết để kể cho nhau. Và mình cố gắng, để cho Haro kể càng nhiều càng tốt, vì giờ Haro đang là nhân vật chính trong câu chuyện ngày Tết rồi. Mình chỉ hiện diện ở đấy để bổ sung, làm đầy cảm xúc cho những ngày Tết vừa trôi qua…
Gìn giữ Tết Việt, ở đâu cũng vậy, cứ lặng lẽ, từ tốn, ấm áp… dưới những mái nhà. Thì Tết Việt sẽ vẫn luôn là thế, như từng hạt mầm được gieo trồng, bằng ký ức và trải nghiệm của những sự tiếp nối… Vĩnh viễn lan xa!
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt
Ấn phẩm Vì trẻ em Xuân Ất Tỵ 2025