Đến thời điểm này, đa phần lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức người dân ngày càng được nâng cao, tạo nên những điểm sáng trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý lễ hội
Mùa lễ hội năm nay, Hà Nội là một trong những địa phương tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, tổ chức lễ hội. Tiêu biểu nhất là lễ hội chùa Hương. Điểm mới về ứng dụng công nghệ trong lễ hội chùa Hương chính là mã QR để quản lý đò chở khách.

Mỗi thuyền sẽ có một mã QR để du khách phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò. Thời gian phục vụ du khách là từ 4h30 đến 20h hàng ngày. Ban tổ chức đã tích hợp vé thắng cảnh và vé đò để đảm bảo sự thuận tiện cho du khách khi tham quan, giảm thiểu các đầu mối phát hành và kiểm soát vé.
Theo Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương, nhờ áp dụng vé điện tử và dùng hệ thống máy tính phân bổ lượng khách đi đò nên lễ hội không còn tình trạng chèo kéo khách. Không chỉ áp dụng công nghệ đối với các lễ hội, mã QR còn được áp dụng trong quản lý tiền công đức nhằm đảm bảo công khai, minh bạch.
Cùng với đó, các điểm du xuân như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc… thu hút rất đông du khách. Tại các điểm đến này có nhiều đổi mới tích cực, từ đa dạng hoạt động văn hóa cho đến công tác đón tiếp, phục vụ khách. Tình trạng đốt vàng mã, nhét tiền lẻ nơi thờ tự… đã được hạn chế rất nhiều.
Lễ khai hội xuân Yên Tử năm nay được tổ chức theo hướng trang trọng, an toàn, tiết kiệm, mang đậm bản sắc dân tộc.
Để phục vụ chu đáo nhu cầu du khách, TP Uông Bí và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai hội xuân, đón khách tham quan Yên Tử và các lễ hội trên địa bàn thành phố, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan.
Lễ hội chợ Viềng (huyện Vụ Bản, Nam Định) cũng đã thu hút lượng lớn khách thập phương. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách, Ban tổ chức chợ Viềng huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội ứng trực 24/24h trên nhiều tuyến đường.
Các chốt kiểm soát được bố trí hợp lý phân luồng giao thông, phòng, chống cháy nổ, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như cờ bạc, trộm cắp...
Xử lý nghiêm hành vi trục lợi

Mới đây, Bộ VH-TT&DL có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội xuân năm 2025. Trong đó yêu cầu ban tổ chức lễ hội các địa phương không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch; đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; vận động nhân dân không đốt vàng mã tràn lan gây lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho biết, năm 2025, công tác quản lý, tổ chức lễ hội cần tiếp tục kế thừa thành tựu năm 2024, thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Các lễ hội truyền thống phải được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu.
Đồng thời, phải ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi trục lợi, kích động bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc biến tướng tín ngưỡng, mê tín dị đoan. Cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong quản lý, tổ chức lễ hội để phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp tích cực vào đời sống xã hội.
Duy Linh
Báo Lao động và Xã hội số 19