Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới vừa được Bộ Công Thương tổ chức, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết trong tháng 1/2024, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh.
Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.
Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất là: Trà Vinh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Lào Cai…
Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP thấp nhất là: Cà Mau, Bắc Ninh, Sơn La…
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ; nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá.
Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Quảng Ninh; Hải Phòng; Đà Nẵng; Đồng Nai; Thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương; Hà Nội; Bình Định…
Ở góc độ địa phương, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ chia sẻ, thời gian tới, Cần Thơ chỉ đạo tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, bắt tay sản xuất ngay sau Tết; tiếp tục theo dõi và kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…, đồng thời tập trung xuất khẩu gạo.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn thông tin, xuất khẩu hàng hóa của địa bàn tỉnh Lạng Sơn sôi động, chủ yếu là hàng nông sản, trái cây, dịp Tết vừa qua không có hiện tượng ùn ứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại cũng đang chứng kiến sự phục hồi. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42%, nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng so cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử và sự tăng trưởng đáng kể trở lại của xuất khẩu dệt may, máy móc và đồ gỗ.
Đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết
Để thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo đối với Bộ Công thương tại Chỉ thị số 06/CT-TTg về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Đôn đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các nhà thầu dầu khí triển khai hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí năm 2024 theo kế hoạch được phê duyệt; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tăng sản lượng khai thác nội địa đáp ứng yêu cầu sản xuất điện...
Đồng thời, Chỉ thị số 06/CT-TTg nêu rõ, theo dõi chặt chẽ nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây bất ổn thị trường.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xử lý nghiêm theo quy định.
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới đất liền, Bộ Công thương phối hợp với UBND các tỉnh biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, kịp thời có các giải pháp xử lý phù hợp, không để tình trạng ùn tắc hàng hóa; phối hợp chặt chẽ.
Hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất kinh doanh nông sản phù hợp
Chỉ thị cũng nêu rõ, trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đỏ đang tác động đến xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công thương thường xuyên với các bộ, cơ quan, hiệp hội, hãng tàu, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình vận tải hàng hóa quốc tế qua khu vực Biển Đỏ, đề xuất các giải pháp giảm thiểu chi phí vận chuyển, bảo đảm luồng hàng xuất khẩu không bị cản trở và tăng khả năng chống chịu với các biến động của môi trường kinh doanh quốc tế.
.