Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ ...
Đầu tư trong nước và FDI đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế
Cả vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều ghi nhận những kết quả khả quan trong 11 tháng của năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổng cục Thống kê cho biết, FDI thực hiện tại Việt Nam trong 11 tháng đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sức hút của nền kinh tế Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cũng được đẩy mạnh và đạt 73,5% kế hoạch năm. Trong tháng 11, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước gần 75.900 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 13.200 tỷ đồng (tăng 7,8%) và vốn địa phương quản lý đạt 62.700 tỷ đồng (tăng 5,1%). Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 572.000 tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn đầu tư Trung ương quản lý, tính chung 11 tháng đạt 100.100 tỷ đồng, bằng 79,6% kế hoạch năm và tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, vốn đầu tư do địa phương quản lý đạt 471.900 tỷ đồng, bằng 72,3% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh, huyện và xã lần lượt đạt 68,5%, 79,6% và 96,7% kế hoạch năm.
Về FDI, tổng vốn đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/11 đạt 31,38 tỷ USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới đạt gần 17,4 tỷ USD với 3.035 dự án được cấp phép.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI với 11,47 tỷ USD, chiếm 66% tổng vốn đăng ký cấp mới. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 5,78 tỷ USD, chiếm 33,3% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Ngoài ra, vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 9,93 tỷ USD, tăng mạnh 40,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 71,2% tổng vốn FDI đăng ký.
Song tổng vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4,06 tỷ USD, giảm 39,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hình thức đầu tư này, đạt 25,3% giá trị góp vốn.
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng của năm, cả nước có 151 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 555,2 triệu USD và 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với 43,5 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 598,7 triệu USD, tăng mạnh 51,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Lào là quốc gia nhận đầu tư lớn nhất từ Việt Nam, chiếm 26,8% tổng vốn đầu tư.
Giá điện, nhà ở thuê tăng, kéo CPI tháng 11 tăng
Chỉ số giá điện sinh hoạt, giá nhà ở thuê và vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,13% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 11 tăng 2,65% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,77%.
Trong mức tăng 0,13% của CPI tháng 11 so với tháng trước, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với mức tăng 0,87%, chủ yếu tăng ở một số mặt hàng sau: Giá dầu hỏa tăng 3,57% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá gas tăng 2,25% do từ ngày 1/11, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,62% do nhu cầu tăng vào dịp cuối năm; giá thuê nhà tăng 0,45% do giá mua bán nhà đất và chung cư tăng cao; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,28% do giá xi măng, giá thép tăng trong bối cảnh giá điện, than, bao bì tăng;
Giá điện sinh hoạt tăng 2,03% so với tháng trước do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11/10.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,29%; trong đó, giá đồ trang sức tăng 2,35% theo giá vàng trong nước; sửa chữa đồng hồ đeo tay tăng 0,12%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 0,1%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,07%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,26%, chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá USD tăng. Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,21% do chi phí nhân công, chi phí vật liệu và nhu cầu mua sắm tăng khi thời tiết chuyển mùa…
Ngược lại, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm giao thông giảm 0,07% do giá vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm 11,04%; vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 4,1% do nhu cầu của người dân giảm; giá xăng giảm 0,14% so với tháng trước; giá xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,13%; giá xe ô tô mới giảm 0,04%.
Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân 11 tháng lạm phát cơ bản tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,69%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả Theo báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH, trong 11 tháng năm nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ người dân gần 21.800 tấn gạo, trong đó: Chính phủ hỗ trợ 10.400 tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693.400 nhân khẩu; Hỗ trợ hơn 5.900 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho 396.300 nhân khẩu; các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ gần 5.000 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. |
Thái An
Báo Lao động và Xã hội số 149