Mới đây, đại diện Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh - Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Thuý - cho biết ban lãnh đạo thành phố đã phê duyệt quyết định tổ chức Lễ hội Âm nhạc Quốc Tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất mang tên Hò Dô.
Hoạt động này sẽ là bước mở đầu cho kế hoạch tổ chức một lễ hội âm nhạc thường niên mang tầm cỡ thế giới ngay tại Việt Nam. Đây có thể xem là bước đi thể hiện tầm nhìn chiến lược của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy ngành âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hoá nói chung.
Lễ hội âm nhạc biến đổi các thành phố
Từ lâu, mô hình lễ hội âm nhạc được coi là hoạt động hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng sống tại các địa phương đăng cai sự kiện. Theo một nghiên cứu đầu năm 2019 của nhóm chuyên gia châu Âu, ở các quốc gia phát triển, hoạt động âm nhạc quy mô lớn thường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế.
Nghiên cứu này tập trung vào 2 lễ hội âm nhạc lớn châu Âu là EXIT ở Serbia và SZIGET ở Hungary. Họ chỉ ra rằng các lễ hội âm nhạc mang lại nhiều tác động tích cực cho cộng đồng.
Ngày nay, người hâm mộ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để hòa mình vào các buổi hoà nhạc sôi động, nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhận thấy nhu cầu trên, rất nhiều mega-festival (lễ hội quy mô lớn) đã "mọc" lên khắp đất nước nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.
Trong đó, Coachella được tổ chức tại Indio (California, Mỹ) được coi là lễ hội âm nhạc mùa hè lớn nhất thế giới. Thời điểm thập niên 2000, lễ hội này cũng gặp khó khăn về tài chính nhưng tới năm 2013, Coachella đã trở thành lễ hội âm nhạc có doanh thu "khủng" nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ.
Chương trình bán ra 150.000 vé trong vòng 20 phút, doanh thu đạt 47.3 triệu USD - mức tiền ngoài sức tưởng tượng của những người từng cười cợt vào khó khăn thuở ban đầu của chương trình.
Không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp về tiền bạc, Coachella cùng với lễ hội nhạc đồng quê Stagecoach còn tạo ra 3.000 việc làm ngắn hạn cho người dân. Năm 2012, với hơn 80.000 người tham dự mỗi ngày (lễ hội diễn ra trong một tuần), festival nổi tiếng này còn mang về 254 triệu USD doanh thu các mảng dịch vụ liên quan cho địa phương.
Âm nhạc thúc đẩy kinh tế
Một báo cáo mới đây của Tổ chức Công nghiệp Âm nhạc Toàn cầu (IFPI) đã đưa ra các chỉ dẫn và lộ trình để giúp các thành phố thuộc mọi quy mô có thể vươn lên trở thành “Thành phố âm nhạc”.
Báo cáo này được phát triển dựa số liệu cụ thể của 22 thành phố đang đi theo hướng xã hội hóa hoạt động âm nhạc trên khắp các châu lục. Ngoài ra, IFPI còn tạo ra hai nhóm làm việc chuyên sâu và phân tích hơn 40 bài phỏng vấn sâu để tìm ra những cơ hội và thách thức liên quan đến việc triển khai mô hình “Thành phố âm nhạc”.
Những người được phỏng vấn phục vụ báo cáo này gồm có các nhà lãnh đạo hiệp hội âm nhạc, các doanh nhân kinh doanh âm nhạc gồm nhà sản xuất, nhà phát hành, nghệ sĩ, quan chức các thành phố, các chuyên gia về đầu tư du lịch và phát triển kinh tế...
Nghiên cứu đã chỉ ra 5 yếu tố chính để xây dựng thành công “Thành phố âm nhạc”, gồm: sự hiện diện của các nghệ sĩ, âm nhạc chất lượng, không gian và địa điểm tổ chức tốt, khán giả cầu thị và các dịch vụ liên quan tới âm nhạc.
Một nền kinh tế âm nhạc phát triển mạnh mẽ có khả năng thúc đẩy giá trị cho địa phương ở nhiều khía cạnh. Hoạt động mang tính chất tinh thần này có thể tạo công ăn việc làm, giúp tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch và tạo thành thương hiệu riêng của địa phương tổ chức.
Lễ hội âm nhạc phát triển mạnh mẽ sẽ dẫn đến việc đơn vị tổ chức phải tìm kiếm lực lượng lao động hùng hậu để đảm bảo chu trình vận hành. Từ đó, những lao động trẻ có tay nghề cao trong tất cả các lĩnh vực sẽ có cơ hội làm việc khá lớn.
Như vậy, có thể thấy ngoài những lợi ích về văn hoá và xã hội của âm nhạc đã được thừa nhận lâu nay, “Thành phố âm nhạc” còn mang lại những hiệu quả rõ ràng về kinh tế và việc làm.
Tầm nhìn vĩ mô đối mặt với thách thức lớn
Báo cáo năm 2013 cho thấy ngành công nghiệp âm nhạc đã giúp tạo ra và duy trì hơn 56.000 việc làm tại Nashville (Mỹ), đóng góp 5,5 tỷ USD vào nền kinh tế xứ sở cờ hoa.
Tại Melbourne (Australia), cuộc điều tra dân số cho thấy chỉ riêng lĩnh vực âm nhạc đã trực tiếp tạo ra hơn một tỷ AUD và hỗ trợ khoảng 116.000 việc làm cho người dân chỉ trong năm 2012. Tương tự, vào năm 2013, UK Music ước tính âm nhạc đã đóng góp trực tiếp 3,8 tỷ GBP cho nền kinh tế Anh và tuyển dụng 111.000 người cho các công việc liên quan.
Việc Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đầu tư vào Lễ hội Âm nhạc Quốc tế thường niên Hò Dô được coi như quyết định “muộn còn hơn không”. Hành động này được đánh giá là sự thức tỉnh đúng lúc.
Thành phố Hồ Chí Minh đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi sẵn có để trở thành một “Thành phố âm nhạc” đúng nghĩa. Nếu kế hoạch thành công, Hò Dô sẽ tạo ra khối lượng lớn việc làm cho người dân, đồng thời cải thiện chất lượng sống, thúc đẩy văn hoá cộng đồng và phát triển kinh tế, du lịch.
Âm nhạc được coi là phương tiện mạnh mẽ nhất xoá nhoà những rào cản về ngôn ngữ và văn hoá giữa người với người. Nhưng, Indonesia phải mất 15 năm để xây dựng JavaJazz trở thành Festival nhạc Jazz hàng đầu thế giới, Coachella đã trải qua hai thập kỷ hình thành và phát triển để nắm giữ vị thế lễ hội âm nhạc hàng đầu thế giới hiện nay, EXIT bắt đầu hình thành từ năm 2000 và đạt quy mô tổ chức lớn nhất vào năm 2017...
Từ đó có thể thấy, việc đặt mục tiêu Hò Dô phải trở thành lễ hội âm nhạc tầm cỡ quốc tế ngay từ buổi đầu là thách thức lớn, đặc biệt khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm cũng chưa có tiền lệ tổ chức. Tuy nhiên, chính quyền đang nỗ lực để chạm tới mục tiêu tạo nên một lễ hội âm nhạc toàn cầu ngay tại thành phố mang tên Bác.