Dưa hành muối là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình Việt Nam. Vì thế, hầu như gia đình nào, ngày Tết đều tự tay muối một hũ hành cho 3 ngày Tết.

Cùng tham khảo cách làm hành muối chuẩn dưới đây:
Nguyên liệu làm hành muối
Hành củ (chọn củ vừa đều, hành trắng đỡ hăng hơn hành tím); muối tinh; 1 thìa canh đường trắng; Ớt tươi; 1 quả khế (bí quyết để hành thơm và giòn); Lọ thuỷ tinh rửa sạch, tráng nước sôi, để ráo.
Cách làm hành muối trắng giòn
Cắt bỏ rễ hành và bóc bớt đi lớp vỏ già bên ngoài. Khi mua, bạn nên chọn hành bánh tẻ để bớt hăng hơn và có thể rút ngắn được thời gian muối. Hành để cả vỏ ngâm với nước vo gạo qua đêm cho bớt hăng và giúp lớp vỏ già bên ngoài bong ra.
Sáng hôm sau đổ hành ra, rắc 3 thìa muối vào trộn đều, để đến tối rồi nhặt bỏ lớp vỏ già, cắt rễ (không cắt sát phần gốc quá vì sẽ khiến dưa hành dễ bị úng).
Rửa sạch hành, để ráo rồi ngâm một lần nữa với nước gạo trộn với 2 thìa muối, để qua đêm cho bớt hăng. Cuối cùng, nhặt sạch lại vỏ và rễ hành, xả lại thật sạch với nước sôi để nguội rồi đổ ra rổ, để ráo.
Sau đó cho nước, muối trắng, 1 thìa canh đường vào khuấy tan và đun sôi, tắt bếp và để nguội.
Khi hành ráo nước thì xếp vào lọ thuỷ tinh, đổ hỗn hợp nước muối đã đun sôi để nguội vào ngập hành, nén chặt để hành không nổi lên. Sau khoảng 5-7 ngày là có thể gắp ra ăn.
Khế có thể vắt lấy nước hoặc cắt lát mỏng, bỏ vào muối cùng hành.

Những người nên hạn chế ăn hành muối
Hành là loại gia vị quen thuộc của người Việt nhưng trong Đông y, có thể giúp trị cảm, nghẹt mũi, trúng gió… thường gặp khi thời tiết chuyển mùa se lạnh. Theo Đông y, hành vị cay, tính nóng, có tác dụng làm ra mồ hôi, thông khí, hoạt huyết, lợi tiểu, trợ tiêu hóa, sát trùng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, hành muối là thực phẩm lên men, nhiều muối nên có một số đối tượng cần tránh ăn nhiều. Thuộc 5 nhóm người dưới đây, bạn tốt nhất món dưa hành muối nên ăn ít hơn người bình thường, đó là:
1. Người có bệnh về đường tiêu hóa
Người bị viêm đại tràng mạn, người thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa không nên ăn nhiều dưa hành muối.
Về bản chất dưa hành muối nhiều lợi khuẩn có thể rất tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, các loại dưa hành muối, nhất là dưa hành muối xổi, giấm có nồng độ a xít, có thể làm đường tiêu hóa của bạn có vấn đề hơn.
2. Phụ nữ mang thai
Khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn, nhất là khi nghén, trong khi dưa hành chua có thể trở thành thực phẩm kích thích, làm tăng cảm giác đầy bụng.
Đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ bạn cần phải ăn nhạt để tránh phù, nhiễm độc thai nghén cho nên mẹ bầu nên ăn ít dưa hành muối.
3. Người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch
Dưa hành muối chứa hàm lượng natri cao là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp, vì thế người bị tăng huyết áp không nên ăn nhiều dưa hành muối.
4. Bệnh thận
Nhất là bệnh nhân bị suy thận khả năng đào thải natri kém, nên ăn dưa hành muối làm ứ đọng muối trong cơ thể gây phù, tăng huyết áp.
5. Người béo phì
Đối với người béo phì, ăn hành muối kèm với thịt mỡ rất dễ hấp thu chất dinh dưỡng, khiến cơ thể càng béo hơn. Để đảm bảo sức khỏe, mọi người mỗi bữa chỉ nên ăn 5-7 củ hành và phải ăn hành được ngâm chín kỹ.