Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cây gia vị “Khi đói làm rau, khi đau làm thuốc” quen thuộc quanh vườn

Trần Huyền
Trần Huyền

Nhiều loại cây gia vị quen thuộc quanh vườn nhà không chỉ có tác dụng tạo hương vị cho các món ăn mà còn được sử dụng như dược liệu trong y học cổ truyền.

Dưới đây là một số loại cây gia vị phổ biến như: Hành, tỏi, sả, rau răm, rau ngải cứu... và công dụng làm thuốc tuyệt vời của chúng.

Gừng

Gừng có công dụng chống viêm, giảm đau, chống buồn nôn, hỗ trợ tiêu hóa, điều trị cảm lạnh, ho.

Cách dùng: Uống trà gừng, hoặc dùng gừng tươi trong các món ăn.

Cây gia vị “Khi đói làm rau, khi đau làm thuốc” quen thuộc quanh vườn - 1
Gừng, hành, tỏi là các loại gia vị quen thuộc trong bếp, đồng thời có công dụng như một vị thuốc (Ảnh: CV).

Hành

Công dụng: Kháng khuẩn, chống viêm, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol.

Cách dùng: Dùng hành trong các món ăn hàng ngày hoặc sắc lấy nước uống.

Tỏi

Công dụng: Kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch, giảm huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Cách dùng: Ăn tỏi sống, uống tỏi ngâm mật ong, hoặc tỏi nấu chín trong các món ăn.

Rau má

Rau má là loại dược thảo có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng) có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc… Uống nước rau má xay hoặc sinh tố rau má giúp đẹp da, thanh nhiệt cơ thể.

Ngoài ra, nước sắc lá rau má có tác dụng hạ huyết áp, là thuốc bổ dưỡng để có sức khỏe tốt (tăng trí nhớ, thị lực).

Thuốc đắp từ lá cũng được dùng để điều trị những chỗ đau xương khớp, hạ sốt do say nắng.

Cây gia vị “Khi đói làm rau, khi đau làm thuốc” quen thuộc quanh vườn - 2
Rau hẹ trồng bốn mùa, dùng làm gia vị trong một số món ăn có tác dụng chữa bệnh (Ảnh: CV).

Rau hẹ

Rau hẹ trồng bốn mùa, dùng làm gia vị trong một số món ăn như: canh hẹ, sủi cảo, rán trứng, làm rau ăn có tác dụng tiêu thực, người mắc chứng trào ngược... Lá hẹ vị cay chua chát, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ dương, cố tinh, trừ nhiệt lỵ.

Bài thuốc trị chứng nhiệt lỵ: Lá hẹ tươi 20g, lá mơ tam thể 15g, trứng gà 1 quả quấy đều cho một tí muối chưng lên, ăn ngày 2 lần, ăn liên tục 5 ngày.

Bài thuốc bổ thận tráng dương, tăng cường khả năng tình dục: Bầu dục lợn 2 quả, lá hẹ tươi 100g băm nhỏ rán chín ăn vào buổi tối trước khi ăn cơm, uống với 1 ly rượu 20ml (rượu có tác dụng dẫn thuốc) để bổ thận tráng dương. Ngày dùng một lần liên tục 7-10 ngày.

Cây diếp cá

Diếp cá không chỉ là loại rau thanh mát, ăn kèm với nhiều món ăn mà còn hỗ trợ điều trị một số bệnh như: Táo bón, kinh nguyệt không đều, hạ sốt, trị ho, trị cảm, trị mụn hiệu quả…

Cây gia vị “Khi đói làm rau, khi đau làm thuốc” quen thuộc quanh vườn - 3
Lá mơ chữa được các bệnh như: Ho gà, đau dạ dày, viêm tai... (Ảnh: CV).

Lá mơ

Lá mơ là một nguyên liệu phổ biến để chế biến các món ăn hàng ngày. Đồng thời, lá mơ chữa được các bệnh như: Ho gà, đau dạ dày, viêm tai, đau bụng, đau khớp...

Cây ngải cứu

Ngải cứu là một loại rau có vị khá đắng nhưng rất tốt cho sức khỏe và điều trị một số bệnh như: Giải cảm, đau đầu, đau bụng, cầm máu,...

Cây gia vị “Khi đói làm rau, khi đau làm thuốc” quen thuộc quanh vườn - 4
Ngải cứu là một loại rau tốt cho sức khỏe và điều trị một số bệnh (Ảnh: CV).

Húng chanh

Húng chanh là một loại rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn của người Việt Nam. Cây này còn có tên gọi khác là rau tần. Húng chanh vị chua the, thơm hăng, tính ấm vào phế, công dụng giải cảm, tiêu đờm, khử độc và các chứng bệnh cảm cúm, viêm phế quản, cảm lạnh.

Hỗ trợ hen suyễn: Lấy 12g lá húng chanh, 10g lá tía tô, rửa sạch, sắc uống chia 2 lần sáng chiều, trong 7-10 ngày. Khi uống nên kiêng ăn đồ chiên xào, thức uống lạnh, hải sản sẽ giảm bớt triệu chứng ho, khò khè.

Chữa ho cho trẻ: Dùng 5g húng chanh kết hợp với 5g lá hẹ, một thìa mật ong. Cả 3 thứ đem hấp chín rồi ăn.

Bị rết, bọ cạp cắn, ong đốt: Dùng một nắm lá húng chanh rửa sạch, thái nhỏ hoặc nhai kỹ, cho thêm ít muối vào rồi đắp lên vết thương, không dùng cho vết thương đã nhiễm trùng, chỉ dùng trong trường hợp bệnh nhẹ.

Mùi tàu

Mùi tàu còn gọi là ngò gai, ngò tàu, vị the, tính ấm, mùi thơm hắc, khử thấp nhiệt, kiện tì vị, kích thích tiêu hoá.

Khi bị đầy hơi, ăn không tiêu: Dùng 50g rau mùi tàu cắt dài 4cm, kết hợp với gừng tươi đập dập. Cho 2 thứ vào siêu đất, đổ chừng 400ml nước sắc lại còn 200ml. Chia làm 2 lần uống cách nhau 3 giờ. Uống trong 5-7 ngày.

Sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn: Mùi tàu 30g, thịt bò tươi 50g, vài lát gừng tươi. Tất cả thái nhỏ, nấu chín với 600ml nước. Ăn nóng, khi ăn thêm ít tiêu bột, trùm chăn kín người cho ra mồ hôi.

Sả

Công dụng: Chống nấm, hỗ trợ tiêu hóa, giảm sốt, thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng.

Cách dùng: Pha trà sả hoặc dùng sả trong nấu ăn.

Lá tía tô

Công dụng: Trị cảm cúm, ho, sốt, giúp ra mồ hôi, chống dị ứng.

Cách dùng: Dùng lá tía tô trong món ăn, sắc nước uống hoặc xông.

Nghệ

Công dụng: Chống viêm, làm lành vết thương, hỗ trợ tiêu hóa, chống oxy hóa.

Cách dùng: Uống tinh bột nghệ hoặc dùng nghệ tươi trong nấu ăn.

Những loại cây gia vị nêu trên rất dễ tìm và có thể được sử dụng hàng ngày để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng liều lượng và cách dùng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Rau răm

Rau răm còn gọi là thuỷ liễu, hương lục. Cây có vị cay, tính ấm không độc, dùng để trị đau bụng lạnh, chữa rắn cắn, chàm ghẻ, mụn trĩ, kích thích tiêu hoá, kém ăn. Dùng tươi, rửa sạch để ráo nước.

Để trị chứng tiêu hoá kém: Mỗi ngày dùng 15- 20g thân và lá rau răm tươi, rửa sạch, giã nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt uống.

Trị say nắng: Rau răm 10g, gừng 30g, đinh lăng 16g, mạch môn 10g. Tất cả đem sao vàng, sắc với 600ml nước cô lại 300ml. Uống hết trong ngày, chia làm 2 lần.

Thì là

Thì là (hay thìa là) còn gọi là thời la, đông phong. Đây là một vị thuốc rất thông dụng trong Đông y. Hạt thì là vị cay, tính ấm, bổ thận, kiện tì, tiêu trướng, trị đau bụng và đau răng.

Người bị tiểu rắt (tiểu són): Lấy một nắm thì là tẩm với nước muối, sao vàng, tán thành bột. Khi dùng, lấy bánh dày quết với bột thì là ăn. Ăn ngày 2 lần, trong 5-7 ngày, thích hợp với những người bị tiểu nhiều hay bị đau buốt.