Thế nhưng, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tìm cách chuyển đổi sang hình thức quán cà phê hay nhà hàng "hát cho nhau nghe" tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
"Hát cho nhau nghe" biến tướng từ karaoke
Đêm 18/12, một vụ hỏa hoạn xảy ra ở quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng khiến 11 người tử vong.
Ngoài nguyên nhân chính do có đối tượng đổ xăng đốt quán thì một trong những nguyên nhân được xác định dẫn đến hậu quả thiệt hại nặng nề về người là quán cà phê kinh doanh dịch vụ “hát cho nhau nghe”. Thời điểm đám cháy bùng phát, trong quán có tới 20 người.
Trước tình trạng các quán karaoke thường xuyên xảy ra cháy nghiêm trọng trên khắp cả nước, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) của các quán.
Tuy nhiên, một số cơ sở lại có biểu hiện lách luật, chuyển sang hình thức “hát cho nhau nghe” hay kinh doanh ăn uống kết hợp biểu diễn nghệ thuật, không bán vé… Điều này khiến cho cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc quản lý cũng như tiềm ẩn những rủi ro đáng lo ngại.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố từ chỗ có hơn 1.000 quán karaoke, nay chỉ còn hơn 80 cơ sở đăng ký hoạt động chính thức. Tuy nhiên, thay vì chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức kinh doanh khác, nhiều cơ sở đã chuyển sang dịch vụ “hát cho nhau nghe”.
Đây thực chất là kinh doanh cà phê, nhà hàng ăn uống có tổ chức hát tương tự như hát karaoke (cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc và lời bài hát hiển thị trên màn hình), nhưng không thu phí dịch vụ hát mà thu vào tiền món ăn, đồ uống và dịch vụ khác.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, khi hoạt động kinh doanh karaoke tạm dừng, chúng ta đã thấy khá nhiều hệ lụy khác diễn ra, từ việc kinh doanh chui đến việc gây ô nhiễm tiếng ồn ở các khu dân cư, dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết ở cộng đồng.
Rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bị cho dừng hoạt động do không đảm bảo các yêu cầu về PCCC.
Thực tế cho thấy, khi nhiều quy định mới, yêu cầu khắt khe hơn về PCCC để nhằm kiểm soát các đơn vị kinh doanh karaoke thì chính là lúc rất nhiều hình thức biến tướng của karaoke xuất hiện như "hát cho nhau nghe", hát tại các quán ăn, các câu lạc bộ, quán bar, vũ trường, quán rượu...
Điều đáng nói ở đây là nhiều cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về PCCC và tiềm ẩn những rủi ro rất đáng lo ngại.
Cần lấp lỗ hổng trong quản lý dịch vụ karaoke biến tướng
PGS, Đại tá Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học kỹ thuật PCCC&CHCN (Trường Đại học PCCC) cho biết, từ ngày 1/7/2025, khi Luật PCCC&CHCN chính thức có hiệu lực, các cơ sở kinh doanh, bao gồm cả những dịch vụ biến tướng sẽ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn cụ thể về PCCC mới có thể đủ điều kiện hoạt động kinh doanh.
Các hoạt động này sẽ chịu sự quản lý trên hai khía cạnh chính, thứ nhất là quy định về quy chuẩn quốc gia áp dụng cho nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh và các tiêu chuẩn PCCC đối với dịch vụ karaoke hoặc các loại hình dịch vụ tương tự.
Thứ hai, tiêu chuẩn quản lý dựa trên tính chất nguy hiểm cháy, nổ đối với các dịch vụ mới hoặc chưa được định danh rõ ràng, cũng như những dịch vụ có khả năng hình thành trong tương lai, sẽ được quản lý dựa trên mức độ nguy hiểm cháy, nổ, hậu quả tiềm tàng, và các yêu cầu cụ thể về an toàn PCCC.
Theo PGS, Đại tá Nguyễn Thành Long, việc đưa một số loại hình hoặc dịch vụ kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cao vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ riêng loại hình "hát cho nhau nghe", mà các dịch vụ khác cũng cần được đánh giá dựa trên mức độ nguy hiểm, khả năng gây cháy nổ, và hậu quả tiềm tàng đối với xã hội.
Nêu thực trạng, Đại tá Nguyễn Thành Long cho biết thêm, các cơ sở kinh doanh có điều kiện đặc biệt luôn chịu sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cấp trên nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, và an toàn PCCC.
Tuy nhiên, do sự biến tướng linh hoạt và khó kiểm soát của các loại hình dịch vụ này trong bối cảnh thị trường hiện nay, các cơ quan quản lý vẫn gặp nhiều lúng túng trong việc áp dụng quy định và tiêu chuẩn hiện hành.
"Dù Nghị định 54 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke và dịch vụ vũ trường có được bổ sung, sửa đổi, cũng khó có thể bao quát hết mọi vấn đề hoặc giải quyết triệt để các hậu quả, cũng như các hình thức kinh doanh biến tướng khác nhau.
Ví dụ, một cơ sở có thể tầng dưới kinh doanh dịch vụ giải trí như bi a, bên trên lại có dịch vụ massage, xông hơi, chăm sóc sức khỏe; tầng hai, tầng ba có thể là dịch vụ ăn uống, giải trí và cuối cùng là karaoke hoặc các hình thức ca hát", Đại tá Nguyễn Thành Long nêu.
Do đó, Đại tá Nguyễn Thành Long cho rằng thay vì chỉ sửa đổi các quy định hiện hành, Nhà nước cần áp dụng cách tiếp cận quản lý mang tính bao quát, tập trung vào việc xây dựng những quy định chung, dựa trên các yếu tố cơ bản như đảm bảo an toàn PCCC; bảo vệ tính mạng và tài sản người dân.
Chỉ khi xây dựng được khung quản lý toàn diện và áp dụng nhất quán, mới có thể đảm bảo sự an toàn cho người dân và hiệu quả trong công tác quản lý.
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy ở đường Phạm Văn Đồng, Bộ Xây dựng đã kiểm tra hiện trường và có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND các tỉnh, thành siết quản lý trật tự xây dựng và an toàn cháy cho nhà riêng lẻ, nhiều tầng và căn hộ (chung cư mini).
Theo đó, các địa phương cần kiểm tra chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, chất lượng công trình cũng như trật tự xây dựng. Bộ lưu ý siết chặt việc chuyển đổi công năng sử dụng toàn bộ hoặc một phần công trình, tăng kiểm tra việc PCCC với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được đẩy mạnh để xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 157