Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những dấu hỏi phía sau các vụ cháy

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Một vụ cháy phòng trọ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa xảy ra làm 14 người thiệt mạng. Có thể con số “khô khan” cũng đủ nói lên tính chất bi thảm của sự việc, nhưng nếu có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn về từng thân phận người đã khuất thì hẳn nhiều người sẽ không cầm được nước mắt, bởi nhiều người trong số đó còn rất trẻ và nhiều điều chờ đón họ ở tương lai...

Những ngày này, nhiều sở, ban, ngành ở Hà Nội (và một số địa phương khác) lại "rục rịch" tiến hành kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, đôn đốc công tác PCCC ở các khu dân cư, đặc biệt là những khu nhà trọ chật chội lúc nào cũng nêm chặt người.

319158529-1211239682812951-5818897032469238883-n-70-1671585781604.jpg
Một vụ cháy ở ngôi nhà trên phố cổ Hà Nội cuối năm 2022 (Ảnh: Hoàng Phiêu).

Còn nhớ cách đây không lâu, cũng tại Hà Nội đã xảy ra vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng 56 người tử vong và gần 40 người bị thương.

Sau vụ cháy này, nhiều cơ quan, đơn vị ở Hà Nội đã "sôi sùng sục" với liên tiếp kế hoạch rà soát, kiểm tra chung cư mini, ra sức củng cố hệ thống PCCC ở các khu đông dân cư. Vấn đề đã lên tới bàn nghị sự Quốc hội với không ít ý kiến về chính sách quản lý xây dựng chung cư mini... Đã có một số nhân vật liên quan bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Những tưởng với các hình thức xử lý mạnh tay, quyết liệt như vậy thì nguy cơ hỏa hoạn có thể được khắc chế, nhưng thực tế lại cho thấy mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Một khi các biện pháp quản lý, chế tài của Nhà nước chỉ rộ lên theo chiến dịch sau khi xảy ra một thảm họa, rồi sau đó lại lắng xuống, thì mọi nguy cơ vẫn còn nguyên vẹn. Và vụ hỏa hoạn khiến 14 người chết mới đây là câu trả lời...

Từ lâu, dư luận đã nói nhiều về tính thiếu hiệu quả của các chiến dịch mang tính thời vụ nhưng lại không được duy trì thường xuyên - lúc chặt, lúc lỏng.

Chính điều này đã tạo nên tình trạng "nhờn luật" cùng tâm lý chủ quan trong một bộ phận cán bộ, người dân. Nó cũng cản trở việc hình thành ý thức tự giác chấp hành luật pháp, mà nhiều người chỉ làm một cách đối phó, để khi chiến dịch lắng xuống thì mọi chuyện lại trở về như cũ.

Do đó, vấn đề cần phải giải quyết ở đây là tìm giải pháp để duy trì thường xuyên trạng thái luôn đề cao cảnh giác ở mọi người, từ cán bộ đến nhân dân, đồng thời phải trang bị đầy đủ trang thiết bị đủ khả năng ứng phó một khi xảy ra sự cố, bao gồm hỏa hoạn.

Đồng thời, qua vụ việc này, vấn đề nhà ở xã hội cho thuê càng được đặt ra cấp thiết. Dịch vụ nhà trọ lâu nay hoạt động manh mún, thiếu một thị trường cho thuê chuyên nghiệp.

Hệ lụy của nó là nhu cầu của rất nhiều đối tượng khác nhau đang được đáp ứng bởi dịch vụ cho thuê tự phát khi chỉ 20% số lượng nhà ở xã hội được cho thuê. Nhiều chuyên gia về nhà ở và chính sách xã hội đã chỉ ra rằng, chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân nên cho thuê thay vì chỉ tập trung hướng đến người mua.

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải sớm bắt tay vào thực hiện, trước hết là xây dựng chính sách nhà ở xã hội cho thuê một cách bài bản, kế đến là xây dựng các dự án khả thi, chứ không thể cứ nghiên cứu, bàn thảo để các dự án cứ mãi... nằm trên giấy!

Khánh Nguyễn

Báo Lao động Xã hội số 64