Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cô giáo vượt 100 km lên núi gieo chữ cho trẻ nghèo

Bỏ phố lên ở căn lều bằng lồ ô giữa núi rừng, cô Nhung và các đồng nghiệp vẫn ngày đêm bám lớp, dạy chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Quảng Ngãi.

 

Giáo viên điểm trường Tiểu học Trà Na (huyện Tây Trà) dựng lều bằng tranh tre, lồ ô và vài tấm tôn cũ ở trọ giữa rừng dạy học. Ảnh: Trí Tín.


Tốt nghiệp Đại học Phạm Văn Đồng loại khá, hai năm trước Phạm Thị Tuyết Nhung (ngụ huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tình nguyện về dạy trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số Cor, huyện vùng cao Tây Trà, cách nhà 100 km.

Nhớ lại ngày đầu tiên lên núi nhận lớp, cô giáo trẻ cho biết hôm đó gió mù trời, núi sạt lở vùi lấp đường khắp nơi. Phải mất nhiều giờ đánh vật với con đường lầy lội, dốc đá dựng đứng, cô mới đến được điểm trường Trà Na nằm cao chót vót trên quả đồi. 

"Lúc đến nơi, mọi người đang tất bật chặt lồ ô, đan mành tu sửa lều để chúng tôi ở trọ dạy học. Khó khăn vượt quá sức tưởng tượng, những đêm đầu tôi khóc suốt vì nhớ nhà", cô Nhung kể. 

Điều kiện khó khăn, cô ở chung với hai thầy giáo trẻ khác trong căn lều tranh tre vỏn vẹn 30 m2, được chia làm ba ngăn. Một góc soạn giáo án rồi đến giường ngủ của hai thầy, ở giữa kê bàn ăn, góc còn lại là khoảng riêng của cô giáo được che màn. Bà con đóng phên lồ ô khoanh lại làm buồng vệ sinh, tắm giặt. 

"Lúc đầu cũng ngại ngùng, gặp nhiều bất tiện nhưng ở lâu ngày riết thành quen", cô Nhung nói.

 

Cô Nhung cùng học trò trường Tiểu học Trà Na. Ảnh: Trí Tín.


Hàng ngày, hai thầy giáo dạy buổi chiều nên lo cơm nước buổi sáng, còn cô dạy buổi sáng thì lo cơm tối. Mỗi bữa họ đều sẻ chia chuyện vui buồn sau giờ lên lớp trước khi cùng soạn giáo án. Những đêm mùa đông, gió lùa qua vách nứa lồ ô vào căn lều trống hoác, rét cắt da nên họ phải nhóm bếp lửa sưởi ấm.

Nhung bảo, có những lúc khó khăn cô muốn từ bỏ nơi này để trở về thành thị. Nhưng mỗi giờ lên lớp, ánh mắt tròn xoe thơ ngây của những đứa trẻ đã níu chân cô ở lại với bản làng heo hút này. "Hay những ngày mưa lũ, nhìn học trò đến lớp với đôi chân trần lấm lem bùn đỏ, mảnh áo mong manh cũ nhàu, môi tím tái rét run vì lạnh thì tôi không thể bỏ chúng mà đi", cô giáo cười nhẹ.

Với giáo viên vùng cao Quảng Ngãi, mỗi khi bão lũ về họ bị cô lập giữa núi rừng cả tháng. Hết gạo dự trữ, mọi người sống dựa vào bà con dân làng. "Lúc được ăn rau rừng, bắp chuối; khi thì ngô, khoai ăn qua bữa cầm cự chờ lũ rút", cô Đoàn Thị Thùy Linh - giáo viên trường tiểu học Trà Phong chia sẻ. 

Cô dạy ở huyện Tây Trà, còn chồng làm việc ở Khu kinh tế Dung Quất, xa 100 km, nên có khi hai tuần hoặc cả tháng mới gặp nhau. Đây là đặc thù dạy học ở vùng cao nên trước khi kết hôn các cô đều chuẩn bị tâm lý sống xa nhau. Vì yêu nên họ phải chấp nhận hy sinh. "Cơ cực nhất là lũ trẻ phải theo mẹ lên vùng này với thời tiết khắc nghiệt nên cứ hết đau sốt lại ho khan. Xót hết cả ruột", cô Linh nói.

 

Bữa cơm chiều đạm bạc trong lều tạm của thầy cô giáo điểm trường Tiểu học Trà Na. Ảnh: Trí Tín.


Những ngày cuối tuần, ngày lễ, đặc biệt là dịp lễ tình nhân 14/2 thấy vợ chồng người khác hạnh phúc bên nhau cô chỉ biết khóc thầm. "Vợ chồng tôi cũng từng dự định tìm nghề khác để được gần nhau, quan tâm và chăm sóc con tốt hơn. Nhưng đâu thể được, cái nghề đã theo cuộc đời mình rồi", cô nói.

Tuy nhiên, cô Linh cho rằng, nỗi buồn lớn nhất của những thầy cô là khi đến lớp thấy thiếu vắng học trò. Mỗi lần như thế họ lại tìm đến tận nơi thăm hỏi, vận động gia đình và thuyết phục học sinh trở lại lớp. 

Ông Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà  bày tỏ sự chia sẻ với các khó khăn của thầy cô: "Chúng tôi vô cùng cảm phục nghị lực của các thầy cô đã vượt mọi khó khăn, thiếu thốn để bám trụ trường lớp, góp phần đáng kể cho công tác giáo dục huyện vùng cao nơi đây"..

Tin liên quan