Cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp phát triển công trình xanh. Đó là chìa khóa góp phần tiến đến net zero carbon (đạt phát thải ròng bằng 0).
Thách thức của ngành xây dựng

Việt Nam phải chịu nguy cơ từ khí hậu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và nằm trong top 5 quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cao nhất.
Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc được tổ chức tại Glasgow (COP26), năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết dần loại bỏ nhiệt điện than đến năm 2040 và đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
Lĩnh vực xây dựng đặt ra cơ hội lớn cho mục tiêu này.
Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, việc xây dựng quá nhiều nhà cao tầng thiếu kiểm soát, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị và phương tiện giao thông công cộng còn yếu, không đồng bộ, thiếu không gian xanh, không gian công cộng… dẫn đến hiệu ứng nhà kính, đảo nhiệt, môi trường sống bị ô nhiễm, không an toàn, thiếu tính bền vững.
Việc sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng và phát triển đô thị còn rất hạn chế, đặc biệt là vật liệu xây không nung, nếu không nói là chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp xây dựng.
Trong số hàng vạn công trình lớn nhỏ được xây dựng trên cả nước khoảng 20 năm trở lại đây, mới có khoảng 500 công trình được công nhận là công trình xanh với đơn giá xây dựng khoảng 7,2 triệu đồng/m2 (báo cáo của Bộ Xây dựng ngày 20/9/2023).
Theo TS Võ Thanh Huy, ngành xây dựng đóng vai trò then chốt trong việc trung hòa carbon. Theo các báo cáo khoa học, ngành xây dựng đóng góp lên tới 40% lượng khí thải có liên quan đến năng lượng và quá trình sản xuất. Điều này khẳng định nguy cơ và trách nhiệm của ngành trước thách thức biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Huy "xây dựng xanh" là khái niệm toàn diện, nằm bên ngoài việc chỉ xây dựng bền vững. Nó liên quan việc tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải và ứng dụng các phương pháp khoa học tiên tiến, nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Trái ngược với quá trình xây dựng truyền thống, "xây dựng xanh" tích hợp mục tiêu bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và nước, do đó giảm lượng phát thải carbon.
Còn theo TS, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng cần từ quy hoạch, kiến trúc, tổ hợp công trình xây dựng, đến những công trình xây dựng đơn lẻ. Trước đây, chuyển đổi xanh chỉ tập trung cho khu vực đô thị, nhưng đến nay, khu vực nông thôn ngày càng trở nên quan trọng không kém đô thị.
Nhiều giải pháp phát triển công trình xanh

Theo Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì các công trình kiến trúc phải bảo đảm các tiêu chí bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nguồn nước, tiết kiệm năng lượng. Định hướng đặt ra nhiều nội dung cụ thể.
Trước hết, đối với khu vực đô thị, phát triển kiến trúc phải bảo đảm giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật;
Bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; bảo đảm kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Ở góc độ chính sách, từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về “Tăng trưởng xanh”, ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2013/BXD.
Đây là tiêu chí quan trọng đối với việc định hướng phát triển bền vững công trình xanh ở Việt Nam trong tương lai.
Tiếp đó là Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (năm 2010), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (năm 2017), Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 (năm 2017);
Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 (năm 2018), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (năm 2019)… Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi (năm 2020) một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển công trình xanh.
Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan cho biết, công trình xanh đang có rất nhiều triển vọng và sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hóa” ngành xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Để thúc đẩy phát triển các công trình xanh, bà Phạm Thúy Loan cho rằng, trước hết cần củng cố cơ sở pháp lý liên quan đến tiết kiệm năng lượng và công trình xanh. Lựa chọn bộ chứng chỉ đánh giá, công nhận công trình xanh chính thức để làm cơ sở cho các chính sách cụ thể khác.
Đồng thời, Nhà nước cần tiên phong thực hiện công trình xanh cho các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo quy mô lớn công trình sử dụng vốn công; xây dựng khung hướng dẫn ưu đãi thực hiện công trình xanh thuộc khu vực đầu tư vốn tư nhân;
Xây dựng bằng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi liên quan đến tài chính, phi tài chính; chú trọng việc đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh.
Còn theo kiến trúc sư Trần Thành Vũ, để đạt được mục tiêu giảm sử dụng năng lượng, tiến tới net zero carbon trong ngành xây dựng cần có sự tham gia của nhiều lĩnh vực, trong đó, khoa học đóng vai trò chìa khoá, chính sách với vai trò tiên quyết để thúc đẩy (cả tự nguyện và bắt buộc);
Các ưu đãi tài chính xanh, ưu đãi thuế phí từ ngân hàng, Bộ Tài chính đóng vai trò chất xúc tác, các ưu đãi mật độ xây dựng, tầng cao, thủ tục từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cũng đóng vai trò thúc đẩy quan trọng cho sự phát triển công trình hiệu quả năng lượng.
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng mà trong các hội nghị quốc tế luôn được nhắc tới, đó là sự hỗ trợ từ quốc tế, cả về tài chính, công nghệ - nhưng chúng ta không nên quá phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
“Thời điểm hiện tại, theo tôi, điều quan tâm nữa là phải đào tạo nhân lực để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng”, ông Vũ nhấn mạnh.
Thảo Hiền
Báo Lao động và Xã hội số 17