Chính quyền thành phố đã lên kế hoạch di dời những cơ sở gây ô nhiễm, nguy cơ gây ô nhiễm ra vùng ngoại thành, nhằm hướng đến phát triển bền vững và cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không hợp quy hoạch ra khỏi nội đô còn chậm so với yêu cầu.
Hà Nội hiện đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ các hoạt động công nghiệp làm phát sinh lượng lớn khí thải CO2 và bụi mịn cũng như tiềm ẩn các chất độc hại như SO2, NOx và kim loại nặng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Hà Nội vào nhóm thành phố ô nhiễm hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội cao gấp nhiều lần mức khuyến cáo an toàn, được cảnh báo gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí và quá tải hạ tầng, chính quyền Hà Nội đã đưa ra quyết định di dời các nhà máy xí nghiệp gây ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành theo “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.
Mục tiêu của đề án này là cải thiện chất lượng không khí và tạo ra không gian sống xanh, sạch, đẹp cho người dân.
Theo kế hoạch, nhiều cơ sở công nghiệp cũ sẽ được di dời đến các khu công nghiệp nằm ở các huyện ngoại thành như Thanh Oai, Gia Lâm và Đông Anh.
Năm 2023, những nhà máy lớn như Nhà máy Bia Hà Nội, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang và tổ hợp “Cao - Xà - Lá” (bao gồm Nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) nằm trong danh sách 9 nhà máy và cơ sở công nghiệp phải di dời gấp trong vòng 5 năm tới theo kế hoạch của UBND Hà Nội.
khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố cho thấy, việc thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không hợp quy hoạch còn hạn chế, chậm so với yêu cầu.
Việc xác định tiêu chí, phân loại, hướng dẫn tổng hợp lập danh mục, biện pháp di dời chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ, chưa gắn với kế hoạch, lộ trình cụ thể. Nhiều cơ sở dù đã dừng sản xuất nhưng vẫn để lại một số bộ phận hoặc đang hoạt động theo dạng văn phòng giới thiệu sản phẩm.
Tình trạng này gây lãng phí quỹ đất, trong khi rất cần quy hoạch thêm nhà ở, trường học, dịch vụ công cộng…
Sở TN&MT Hà Nội cho biết, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách di dời các nhà máy còn chậm do vướng mắc trong việc xác định đối tượng áp dụng và thẩm quyền phê duyệt danh mục đề xuất di dời. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng một số chủ cơ sở cố tình chây ì, chậm triển khai việc di dời…
TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, thực tế cho thấy, trong 10 năm gần đây, khá nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm trong nội đô Hà Nội đã được di dời ra ngoại thành theo quy định.
Tuy nhiên, sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp, công xưởng... ra khỏi nội đô Hà Nội, hầu hết quỹ đất trống lại được thay thế bằng các tòa nhà chọc trời hoặc khu chung cư, khu đô thị hiện đại. Rất ít công trình cây xanh, công viên, trường học được xây dựng.
Điển hình đường Nguyễn Tuân dù chỉ dài chưa tới 1km nhưng phải chịu áp lực từ hàng chục dự án chung cư. Trong đó, 3 dự án có nguồn gốc đất nhà máy sau di dời.
Hà Nội đặt mục tiêu năm 2050, nội đô sẽ đạt chuẩn “xanh”, điều này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất của các nhà máy, xí nghiệp chuẩn bị di dời. Để giải quyết vấn đề này, theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, cơ quan quản lý Nhà nước phải giám sát quá trình phát triển quỹ đất trống theo quy hoạch.
Thứ hai, phải công bố, công khai quy hoạch phát triển các quỹ đất trống cho nhân dân được biết. Từ đó, người dân sẽ phối hợp với cơ quan Nhà nước để cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Thứ ba, các cơ quan ban, ngành trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch phải có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các công trình kinh doanh với các công trình công cộng.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 153