Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đến sáng 1/3, thế giới có trên 114,6 triệu người mắc COVID-19

Đến sáng 1/3, thế giới có trên 114,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,54 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 297.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.700 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 114,6 triệu ca, trong đó trên 90 triệu người khỏi bệnh và 2,54 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 44.000 ca), Brazil (34.027 ca) và Pháp (19.952 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.135 ca), Mexico (378 ca) và Brazil (679 ca).

Đến sáng 1/3, thế giới có trên 114,6 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

VTV cũng đưa tin, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 29,2 triệu ca mắc và hơn 525.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 41.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, hơn 11,11 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm gần 157.200 trường hợp thiệt mạng. Ngày 28/2, Ấn Độ báo cáo trên 15.500 trường hợp nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 34.000 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 10,5 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 254.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Trong lúc này, các nước châu Âu đang lo ngại về làn sóng COVID-19 lần thứ 3 bởi số lượng người nhiễm mới và nhập viện đã tăng trong 3 ngày vừa qua. Các ca mắc mới này lại chủ yếu là do virus biến chủng gây ra, buộc Bỉ và Pháp phải tạm ngừng lộ trình nới lỏng phong tỏa, thậm chí còn phải siết chặt hơn.

Riêng trong ngày 26/2, tại Bỉ có 204 ca nhập viện vì COVID-19, con số lớn nhất kể từ cuối năm 2020. Số lượng người nhiễm mới cũng đã tăng khoảng 25% trong tuần vừa qua. Hơn 50% số ca nhiễm mới là do virus biến chủng lây lan từ Anh. Virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở thành nguồn lây nhiễm thứ hai, còn các biến chủng từ Brasil và Nam Phi có tỷ lệ không đáng kể.

Cùng ngày, Pháp ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm mới. Cả Bỉ và Pháp đều dự đoán tình hình sẽ tồi tệ đi trong những tuần sắp tới.

Chính phủ Pháp và Đức đang đàm phán để hạn chế việc đi lại xuyên biên giới sau khi Berlin nâng mức cảnh báo COVID-19 đối với khu vực Moselle của Pháp. Theo Bộ trưởng châu Âu của Pháp, khu vực Moselle, giáp ranh với Đức và Luxembourg, đã chứng kiến sự gia tăng của virus biến chủng ở Nam Phi. Do đó, vào ngày 28/2, Đức đã xếp khu vực Moselle là khu vực đáng lo ngại. Các phương tiện giao thông công cộng từ Moselle sang Đức sẽ phải dừng hoạt động, những người đi làm bằng ô tô sẽ cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID 19. Trước đó, Đức đã đơn phương đóng cửa biên giới với Cộng hòa Czech và Áo để ngăn dịch COVID -19 lây lan.

Ngày 1/3, Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19. Trong số những người được tiêm vaccine đầu tiên có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan, các Bộ trưởng nội các, giới chức và chuyên gia y tế. Loại vaccine được Thái Lan sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên là vaccine do hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Vaccine này được dùng cho các đối tượng từ 18 - 59 tuổi, do đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, 66 tuổi, không nằm trong nhóm được tiêm lần này.

Thái Lan đã nhận 200.000 liều vaccine CoronaVac đầu tiên từ hãng Sinovac Biotech. Ngoài ra, nước này cũng sẽ nhận 17.000 liều vaccine của AstraZeneca trong tháng 3 này. Chính phủ Thái Lan có kế hoạch tiêm chủng cho hơn một nửa dân số trưởng thành trong năm nay.

Tin liên quan
Phim tết có thực sự là mùa vàng?

Phim tết có thực sự là mùa vàng?

(LĐXH) - Những mùa tết gần đây, phim Việt áp đảo các suất chiếu ngoại ở các rạp chiếu. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức đối với các nhà...