Theo TTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 317.879 trường hợp mắc COVID-19 và 8.964 ca tử vong. Số ca tử vong tại Mỹ đã gần cán mốc nửa triệu người trong khi nước này đã tiêm được 55 triệu liều vaccine.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 17/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 109.995.046 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.427.501 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 84.787.093 người, 22.495.828 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 97.447 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (55.271 ca), Mỹ (53.229 ca) và Pháp (19.590 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.415 ca), tiếp theo là Brazil (1.045 ca) và Anh (799 ca).
VTV cũng đưa tin, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trên thế giới, gần 1/4 số ca nhiễm được ghi nhận tại nước này với trên 28,3 triệu ca, trong đó có hơn 499.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 40.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 10,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 155.900 trường hợp tử vong. Ngày 16/2, Ấn Độ báo cáo gần 11.800 người nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 55.200 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 9,9 triệu trường hợp. Hiện nay, trên 240.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này, mức cao thứ hai thế giới.
Đức đã quyết định áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Cộng hòa Czech và Áo do lo ngại sự bùng phát các ca nhiễm biến thể mới tại hai quốc gia láng giềng này. Đây là các biện pháp nhằm tăng cường hạn chế theo yêu cầu của các doanh nghiệp về lộ trình mở cửa trở lại. Theo đó, cảnh sát Đức chỉ cho phép tài xế xe tải, công dân Đức và người đi lại qua biên giới nhập cảnh khi có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19. Về phần mình, Áo cho rằng, các biện pháp trên là "không cân xứng", ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và gây thiệt hại cho xuất khẩu của nước này.
Đến nay, Đức đã xác nhận trên 2,3 triệu người mắc COVID-19 và hơn 66.500 trường hợp thiệt mạng.
Từ ngày 17/2, Nhật Bản sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19. Đối tượng ưu tiên sẽ là 40.000 nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Trước đó, vào ngày 14/2, Nhật Bản đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech để phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Như vậy, Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 314 triệu liều vaccine COVID-19 từ 3 nhà sản xuất Pfizer, AstraZeneca và Moderna, đủ cho 157 triệu người. Đến nay, Nhật Bản xác nhận trên 417.700 trường hợp mắc và hơn 7.000 người tử vong vì COVID-19.
Tại Đông Nam Á, giới chức Malaysia cho biết cũng sẽ bắt đầu chương trình tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 26/2 tới. Vaccine được sử dụng cho đợt tiêm đầu là của Pfizer-BioNTech. Những nhóm ưu tiên gồm nhân viên tuyến đầu chống dịch, người có nguy cơ cao, sau đó là những người trưởng thành. Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ là người đầu tiên tiêm để thúc đẩy niềm tin của người dân về tính an toàn của vaccine. Mục tiêu của Malaysia là tiêm vaccine cho ít nhất 80% trong tổng số 32 triệu dân trong 1 năm. Hơn 269.100 người tại Malaysia đã nhiễm virus SARS-CoV-2, 983 trường hợp trong số này đã tử vong.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh cho lực lượng quân đội và cảnh sát nước này chặn đứng tất cả hoạt động qua lại biên giới bất hợp pháp nhằm đảm bảo, mọi trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan phải tuân thủ quy định về cách ly phòng dịch COVID-19. Các binh lính Campuchia phải thẩm vấn tất cả những người cố tình vượt biên giới trái phép để xác định những đường mòn lối mở vẫn được sử dụng cho việc xâm nhập vào Campuchia và trốn tránh cách ly phòng dịch. Trước đó, Thủ tướng Hun Sen đã ký sắc lệnh đình chỉ công tác đối với người đứng đầu lực lượng cảnh sát huyện Kamrieng (tỉnh Battambang) Kim Ponlork với cáo buộc nhận hối lộ để thả một đối tượng môi giới đưa lao động Campuchia từ Thái Lan về nước bất hợp pháp.
Ngày 16/2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết, nước này có thể đảm bảo nguồn vaccine ngừa bệnh COVID-19 cho khoảng 79 triệu người. Trong khi đó, dân số Hàn Quốc hiện nay chỉ khoảng 52 triệu người. Tuyên bố này đã giảm thiểu các lo ngại về việc thiếu vaccine ngừa COVID-19 cho những người trên 65 tuổi. Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 26/2 tới, sử dụng vaccine của AstraZeneca (Anh) cho đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân trong viện dưỡng lão, nhưng chưa áp dụng cho những người trên 65 tuổi do lo ngại về hiệu quả.
Nhóm xúc tiến tiêm chủng có kế hoạch bổ sung thêm kết quả thử nghiệm lâm sàng, tính hiệu quả của vaccine đối với người trên 65 tuổi để trình lên Ủy ban Chuyên môn về tiêm chủng thẩm định. Vào khoảng cuối tháng 3, các cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ thống nhất phương án cuối cùng. Khi cấp phép cho vaccine AstraZeneca, Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc khuyến cáo "phải quyết định thận trọng khi sử dụng cho người trên 65 tuổi".