Trong cuốn sách "Hãy quẳng nỗi lo đi mà sống" có chỉ ra rằng: "Lo lắng có hại cho tim. Mạch máu căng là do lo lắng quá độ. Chứng phong thấp có thể do lo lắng mà phát sinh… Lo lắng quá có thể sinh ra chứng cảm hàn. Lo lắng có thể ảnh hưởng đến hạnh giáp trạng...".
Rõ ràng sự lo lắng, sợ hãi gây ra nhiều tác hại. Trước đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, khi căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, lo lắng là điều khó tránh khỏi ở nhiều người. Ở nước ta, tính đến ngày 25/3 đã ghi nhận 141 ca mắc ở nhiều tỉnh thành. Làm thế nào để chúng ta không lo lắng nhưng cũng không chủ quan là điều rất cần thiết trong lúc này.
Đại dịch Covid-19 đang lan rộng ra nhiều nước. Ảnh: REUTERS
TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, để có thể sống bình tĩnh trước những khó khăn, dịch bệnh cần phải có sự bình tĩnh. Nếu có một tâm trí bình tĩnh, an hòa thì có những hành xử chính xác hơn. Muốn hay không muốn dịch bệnh đã đến, thay vì lo lắng hãy chấp nhận, quan trọng hơn là áp dụng các biện pháp phòng bệnh thật tốt.
Giữa đại dịch Covid-19, chỉ với thay đổi nhỏ trong suy nghĩ sẽ chẳng phải lo lắng. Mọi người thay vì sợ hãi, quá lo lắng hãy nghĩ dịch bệnh đã giúp chúng ta nhìn nhận ra một số điều rất tốt là:
Dịch bệnh đã giúp chúng ta biết cách phòng bệnh tốt hơn, những thói quen tốt được hình thành, loại bỏ những thói quen xấu. Đây là cơ hội tốt để cho bản thân, gia đình, con cái trong gia đình bắt đầu thay đổi thói quen. Chẳng hạn như ăn uống cẩn thận hơn, ăn chín uống sôi, ít ăn ngoài mà quây quần bên nhau trong bữa cơm là điều rất tốt.
Chúng ta cũng quen với việc đeo khẩu trang nơi đông người để tránh lây nhiễm; Ho thì biết che tay mà không tự nhiên ho, khạc nhổ bừa bãi; biết cách rửa tay đúng cách để phòng bệnh tật, trong đó có virus. Hay như thói quen đi ngủ trước 11 giờ để bảo vệ sức khỏe, để phòng ốc được thoáng khí….
Đây là thời điểm tốt giáo dục bản thân, mọi người xung quanh, đặc biệt là thế hệ con của mình để trẻ biết cách phòng vệ sức khỏe không chỉ trong đợt dịch mà sau này.
Đợt dịch bệnh Covid-19 cũng làm chúng ta gần gũi với nhau hơn, quây quần bên nhau hơn. Cha mẹ có nhiều thời gian chơi cùng con, dạy con cách học, nấu bữa ăn chung trong gia đình mà trước đây vì đi làm, con cái đi học không có cơ hội chia sẻ với nhau. Vậy tại sao không hoan hỉ với điều đó?
Nếu trong trường hợp lây nhiễm, không chữa được thì có thể chết. Ai rồi cũng phải chết thôi, không có gì phải quá lo lắng.
TS Xã hội học Phạm Thị Thúy. Ảnh TG
Chuyên gia cũng cho rằng, ý nghĩ tạo nên chất lượng của cuộc sống. Tất cả những điều đó nằm trong tư duy của chúng ta. Nếu chúng ta lo lắng sẽ làm cho mọi thứ rối bời, không làm chuẩn xác các hành vi. Những người suy nghĩ tích cực, biết nhìn ra những cái tốt của vấn đề, bình tĩnh thì sẽ không có sợ gì cả.
Điều đó còn làm hệ miễn dịch tốt hơn. Trong trường hợp có lây nhiễm mà hệ miễn dịch tốt thì nhiều khả năng chống chọi lại được. Kể cả trong trường hợp xấu nhất phải dừng lại cuộc sống này cũng không có gì quá lo lắng. Hãy tìm niềm vui trong việc đọc bí quyết để cải thiện cuộc sống. Không nên chìm đắm quá nhiều trong tin tức về dịch, phải biết chọn lọc tin tức, đọc tin từ nguồn chính thống và dẹp bỏ các tin tức giả (fake news). Khi đã biết được các thông tin cần thiết thì nên đọc tin tức mới nhất, dành thời gian để làm các việc mình yêu thích. Dành thời gian cho mình nhiều hơn, đọc sách, xem bộ phim mình muốn xem.