Gói 26.000 tỷ: Có khả năng đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Bên hành lang Quốc hội chiều ngày 25/7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, (đoàn Thái Bình) cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, người lao động. Số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn "đang gây ra những lo ngại lên áp lực tăng trưởng" trong 6 tháng cuối năm.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, Chính phủ đưa ra gói 26.000 tỷ (Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg) hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo ông là "rất kịp thời".
"Bộ điều hành gói này là Bộ LĐ-TB&XH. Tôi đánh giá rất cao khi đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy và hành động trong triển khai. Những điều kiện để tiếp cận gói này dễ dàng hơn, đơn giản hóa thủ tục tối đa, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận tốt hơn", ông Thân nói.
"Tôi đề xuất cần phải tạo cơ chế linh hoạt cho người thực hiện gói hỗ trợ này. Có lúc tiếp cận với người lao động nghèo mà người ta thiếu một số giấy tờ thì cho người ta nợ. Không có cơ chế như thế thì người làm không dám làm, vì sợ vi phạm luật. Cuối cùng hai bên không đến được với nhau", ông Nguyễn Văn Thân chia sẻ, và một lần nữa ông nhấn mạnh, gói hỗ trợ này giúp người thụ hưởng dễ tiếp cận.
Cũng quan tâm đến sự khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đánh giá: 'Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành cũng được doanh nghiệp đánh giá khá tốt, khi cắt giảm được các thủ tục hành chính và có khả năng đẩy nhanh tiến độ giải ngân".
Đồng thuận cho rằng gói 26.000 tỷ "ra đời" rất kịp thời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn) chia sẻ, những khó khăn trong đại dịch đang "ngấm" ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp.
"Do đó Đảng, Nhà nước quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới này thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân".
Cắt giảm tối đa, có những thủ tục… không còn thủ tục nữa
Để "ra" được" gói hỗ trợ an sinh 26.000 tỷ này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) cho biết, ông và các Cục, vụ đã gấp rút, dồn hết sức lực, "vừa chạy vừa xếp hàng", làm việc đến tận nửa đêm để đảm bảo gói hỗ trợ ra kịp thời điểm người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này.
Đặc biệt là cải cách hành chính quyết liệt hơn, thủ tục hành chính giảm đi, có những thủ tục không còn thủ tục nữa. Thời gian có những nội dung từ 1 tháng 10 ngày nay rút xuống còn 1 ngày.
"Có những nội dung trước đây hơn chục ngày, giờ chỉ còn một ngày, thậm chí có những nội dung trong ngày luôn", Bộ trưởng cho biết.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) đánh giá cao gói 26 nghìn tỷ là quyết sách rất kịp thời, hợp lòng dân.
"Nhìn chung thông thoáng về hồ sơ, thủ tục - giảm đến 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian. Thậm chí có những chính sách không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ trên cơ sở dữ liệu chúng ta đã có", ông nói.
Do đó, hiện giờ tiếp cận chính sách đang tốt. Mới qua 15 ngày triển khai (tính đến ngày 24/7), trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo kết quả, hiện 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai Nghị quyết, nhiều địa phương đạt kết quả cao.
11 triệu lao động đã được hỗ trợ 4.300 tỷ đồng
Đáng chú ý, nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, đến nay đã hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng.
"Như vậy, chúng ta đã kết thúc chính sách thứ nhất", ông Dung cho biết.
Ngoài ra, với các nhóm chính sách khác, cũng đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1; Có 52.081 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại năm 5.922 doanh nghiệp đã được hưởng chính sách; 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ.
Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tái cấp vốn. Qua một tuần triển khai, đã có 62 chủ sử dụng lao động đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 13.577 lao động (gấp 10 lần gói 62.000 tỷ đồng).
Báo cáo thêm việc thực hiện Nghị quyết 134 Quốc hội về hỗ trợ Tổng Cty Hàng không, ông Dung cho biết, theo báo cáo (đến sáng ngày 25/7) của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng đã ký 4.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho doanh nghiệp, thống nhất bước đầu 2.000 tỷ và giải ngân được 600 tỷ trong số này, 1.400 tỷ sang tuần sẽ giải ngân nốt.
Lao động tự do: Phân quyền mạnh cho địa phương
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lao động tự do, vốn là đối tượng bị ảnh hưởng sâu nhất, khó triển khai nhất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta đề cao tính linh hoạt và phân quyền mạnh cho các địa phương. Đến nay, chính sách này được triển khai nhanh, có hiệu quả, nhất là các địa phương phải giãn cách xã hội.
"Tất cả lao động bán vé số dạo từ Đà Nẵng đến Cà Mau với hàng trăm nghìn người đã được các địa phương xem xét, đã và đang triển khai hỗ trợ", ông Dung nói và cho biết thêm, "trong 15 ngày qua, địa phương đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng, trực tiếp hỗ trợ cho 284.465 người lao động tự do, đạt kết quả 100% đối tượng được thụ hưởng với 426 tỷ đồng".
Tất cả đều được cập nhật từng ngày, từng trường hợp, từng đối tượng được hỗ trợ toàn quốc trên Cổng thông tin dịch vụ quốc gia; công khai trên các phương tiện trên thông tin đại chúng cũng như giám sát của các cơ quan theo phân công của Chính phủ.
"Nhìn tổng quát, các chính sách ban hành thời gian qua, nhất là Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, dễ triển khai, đối tượng thụ hưởng đang dễ dàng tiếp cận chính sách hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Thanh Nhung
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ