Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Đông Á và Thái Bình Dương: Trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Liên hợp quốc kêu gọi các biện pháp nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí ở Đông Á và Thái Bình Dương khi trẻ em đang trở thành nạn nhân mỗi ngày.

Hơn 100 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày ở Đông Á và Thái Bình Dương do các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, đồng thời kêu gọi hành động khẩn cấp để cắt giảm khí thải gây chết người, thắt chặt các tiêu chuẩn chất lượng không khí và cải thiện hệ thống y tế.

Con số này tương đương gần 40.000 ca tử vong hàng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi tại hai khu vực này.

Đông Á và Thái Bình Dương: Trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm - 1
Trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương đối mặt với nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí. (Ảnh: Straits Times)

UNICEF cho biết, hơn 500 triệu trẻ em tại các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương đang phải sống trong môi trường ô nhiễm với mức độ độc hại cao, cả trong nhà lẫn ngoài trời. Việc tiếp xúc với không khí độc hại có thể bắt đầu ngay từ khi còn trong bụng mẹ, dẫn đến các vấn đề sức khỏe kéo dài suốt đời.

Ô nhiễm không khí trong hộ gia đình đặc biệt nguy hiểm. Các loại nhiên liệu được sử dụng để nấu ăn và sưởi ấm như củi và phân khô có liên quan đến hơn một nửa số ca tử vong do ô nhiễm không khí ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tuy nhiên, theo UNICEF, vẫn có những biện pháp có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Các chính phủ cần hành động để giảm thiểu ô nhiễm không khí. UNICEF tập trung vào 27 quốc gia đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines và cả các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương như Kiribati và Tuvalu. Báo cáo phân tích dữ liệu năm 2021 từ Viện Đánh giá chỉ số sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington, Seattle, Mỹ.

Ông Samuel Treglown, chuyên gia tư vấn về khí hậu và môi trường bền vững của UNICEF khu vực cho biết: “Khi phân tích dữ liệu, chúng tôi nhận ra quy mô của cuộc khủng hoảng này: Gần 1/4 số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trong khu vực có liên quan đến ô nhiễm không khí, khiến đây trở thành yếu tố rủi ro lớn thứ 2 đối với tỷ lệ tử vong trẻ em, chỉ sau suy dinh dưỡng".

Trên toàn cầu, gần 2.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí, theo báo cáo chung năm 2024 của UNICEF và Viện Health Effects có trụ sở tại Mỹ. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm đã góp phần vào cái chết của 8,1 triệu người ở mọi lứa tuổi, chiếm khoảng 12% số ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2021.

Để giảm bớt mối đe dọa từ ô nhiễm không khí trong hộ gia đình, UNICEF đã giới thiệu các hệ thống thông gió bằng ống khói, quạt và máy lọc không khí để giảm tiếp xúc với chất ô nhiễm tại Trung Quốc. Tại Mông Cổ, tổ chức này đã trang bị máy sưởi điện, vật liệu cách nhiệt và hệ thống thông gió cho các lều truyền thống nhằm thay thế bếp than.

Bên cạnh hộ gia đình, ô nhiễm không khí còn đến từ nhiều nguồn khác như nhà máy, nhà máy điện, phương tiện giao thông, cháy rừng và đốt nương rẫy. Những hoạt động này giải phóng các hợp chất độc hại như carbon monoxide, nitrous dioxide và ozone.

Mối nguy hiểm nhất là các hạt bụi siêu nhỏ PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi và máu. Các hạt PM2.5 có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet và việc tiếp xúc kéo dài có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Theo UNICEF, hơn 325 triệu trẻ em đang sống ở những quốc gia có mức PM2.5 trung bình hàng năm vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hơn 5 lần.

Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể gây ra hàng loạt  bệnh về đường hô hấp, chậm phát triển não bộ, suy giảm hệ miễn dịch, tiểu đường và ung thư ở trẻ em, làm tăng chi phí y tế và giảm năng suất   lao động trong xã hội.

Dù vậy, vẫn có những tín hiệu tích cực, khi số ca tử vong hàng ngày giảm dần. Ông Treglown cho biết, số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Đông Á và Thái Bình Dương đã giảm 78% từ năm 2000 đến 2021. “Sự tiến bộ này phản ánh những cải thiện trong chất lượng không khí và các can thiệp y tế cho trẻ em trong khu vực vài thập niên qua", ông nhận xét.

Tuy nhiên, số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời giảm với tốc độ chậm hơn, chỉ 54%, cho thấy cần đẩy nhanh các nỗ lực giảm ô nhiễm từ các nguồn bên ngoài như giao thông, công nghiệp và đốt rác thải. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong do ô nhiễm ngoài trời đã tăng lên khoảng 40%, theo UNICEF.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ cần tăng cường các chính sách bảo vệ môi trường, chuyển đổi sang năng lượng sạch và thực thi các tiêu chuẩn chất lượng không khí. Doanh nghiệp cũng nên áp dụng công nghệ sạch hơn, trong khi ngành y tế cần cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh do ô nhiễm không khí gây ra.

“Giảm phát thải khí nhà kính không chỉ vì hành tinh mà còn để bảo vệ sức khỏe trẻ em ngay từ bây giờ", ông Treglown kêu gọi.

Đức Hoàng (theo Straits Times)

Báo Lao động và Xã hội số 18

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...