Diện mạo mới
TP Hà Nội đã có nhiều dự án nâng cấp, cải tạo vườn hoa, công viên trong khu vực nội đô. Những dự án này nằm trong Chương trình 03/CT-TU của Thành ủy Hà Nội đối với hạng mục cải tạo công viên, vườn hoa trên địa bàn trong giai đoạn 2021-2025 nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tập thể dục của người dân.

Nhiều vườn hoa trong khu vực nội đô như: Diên Hồng, Tao Đàn, Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm); Hoàng Diệu, Lê Trực (quận Ba Đình); Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai); Ngọc Lâm (Long Biên)… đã được khoác lên mình diện mạo mới, bổ sung thêm nhiều hạng mục.
Các vườn hoa mới cải tạo được quy hoạch với không gian mở, tăng khả năng tiếp cận của người dân; đầu tư lát đường dạo bằng vật liệu phù hợp, trang thiết bị đô thị đồng bộ gồm thùng rác, ghế ngồi, đèn chiếu sáng tầm cao, tầm thấp bước đầu đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi của người dân.
Hệ thống cây xanh bên cạnh việc bảo tồn những cây lâu năm có giá trị, thay thế những cây già cỗi chậm phát triển thì được trồng mới, bổ sung cây bóng mát, tăng diện tích thảm cỏ, bồn hoa theo mùa nhằm tạo cảnh quan đô thị.
Nằm trên địa bàn phường Tràng Tiền, ở vị trí giao giữa các phố Ngô Quyền - Lý Thái Tổ - Lê Phụng Hiểu, vườn hoa Diên Hồng hay còn gọi vườn hoa Con Cóc sau thời gian thi công có thêm nét hiện đại, văn minh mà vẫn giữ được sự hài hòa với cảnh quan và công trình kiến trúc phong cách Pháp nằm trong cùng quần thể.
Đặc biệt, các hạng mục như hè, đường dạo trước đây được lát bằng nhiều loại vật liệu khác nhau nay được thay thế bằng hệ thống đá tự nhiên. Vỉa hè được thay thế bằng cây xanh thảm cỏ, lối đi cho người đi bộ được chuyển vào bên trong vườn hoa.
Hệ thống chiếu sáng được cải thiện để không rọi thẳng lên tán cây, ảnh hưởng đến cuộc sống về đêm của các loài côn trùng. Những chi tiết nhỏ nhất đều được tính toán kỹ để vườn hoa thật sự là nơi mọi người đều muốn tới.
Bác Tuyết Mai (phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi thường xuyên ra đây đi dạo, tập thể dục. Từ khi vườn hoa cải tạo xong, diện mạo thay đổi hẳn, xanh - sạch - đẹp đúng nghĩa. Không gian cho trẻ vui chơi cũng rộng, thoáng hơn, không còn cảnh người dân xả rác thải bừa bãi như trước.
Hằng ngày, chúng tôi luôn bảo nhau, nhắc nhở các cháu nhỏ phải có ý thức giữ gìn để nơi đây luôn văn minh, sạch đẹp như chính ngôi nhà của mình”.
Với diện tích khoảng 4.200m2, vườn hoa Vạn Xuân (tên gọi cũ vườn hoa Hàng Đậu) nằm giáp phố Phan Đình Phùng và Quán Thánh, một mặt gần ngã tư Hàng Cót - Hàng Đậu là một trong những vườn hoa có vị trí đẹp, gìn giữ nhiều giá trị lịch sử của Hà Nội.
Sau khi cải tạo, vườn hoa Vạn Xuân trở thành điểm nhấn mới trong không gian công cộng của Hà Nội. Đáng chú ý, đây là vườn hoa đầu tiên có biểu diễn nhạc nước nghệ thuật.
Với 52 điểm phun được chia thành 4 hàng, hiệu ứng phun và màu sắc thay đổi theo giai điệu nhạc. Đây là sự thay đổi tích cực từ vườn hoa đã xuống cấp mà người dân mong mỏi từ lâu, thu hút nhiều trẻ em, người dân đến vui chơi hơn.
Ông Anh Tú (phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Trước đây, vườn hoa này rất bẩn. Nhiều người để chó thả rông, không rọ mõm phóng uế bừa bãi. Từ ngày được cải tạo sạch sẽ, đẹp và thoáng mát, lại thêm nhạc nước nên trẻ con rất thích.
Nơi đây trở thành điểm vui chơi cho trẻ em sau giờ học căng thẳng, giúp các cháu được vận động ngoài trời nhiều hơn thay vì ở nhà giải trí bằng game, xem điện thoại, tivi”.

Tăng cường thiết kế nhiều mảng xanh
Dắt cháu đi bộ quanh vườn hoa Vạn Xuân, chỉ tay vào những bồn trồng cây, bà Bích Vân (60 tuổi, phố Phan Đình Phùng, quận Hoàn Kiếm) nhận xét:
“Các bồn cây được tận dụng làm ghế đá đã tạo nhiều không gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, bồn trồng cây hơi to, nằm chềnh ềnh, thô kệch, góc cạnh, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi vui chơi, đồng thời chiếm nhiều diện tích của lối đi, nhìn bị… tức mắt”.
Vườn hoa Hàng Đậu sau khi được cải tạo đã thu hút nhiều người dân, học sinh và khách quốc tế đến tham quan, tập thể dục, nhất là khi có nhạc nước. Tuy nhiên, đa phần người dân đều mong muốn vườn hoa Hàng Đậu được tăng thêm các mảng xanh để hài hòa với thiết kế hình khối.
Cùng với đó, tại các vườn hoa vừa được cải tạo, việc trồng nhiều loại cây, hoa trong cùng một bồn, một chỗ, trông rất rối mắt. Nhiều người cũng lo ngại, theo thời gian, liệu những vườn hoa có được giữ gìn sạch sẽ như khi vừa cải tạo.
Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS TP Hà Nội cho rằng, cải tạo công viên, vườn hoa là nhằm nâng cao chất lượng sống người dân. Phải mất nhiều năm Hà Nội mới có quyết tâm và nguồn lực cho công việc này.
Do vậy, bên cạnh việc triển khai cải tạo khẩn trương cần quan tâm tới nhiều yếu tố như: Quản lý tài nguyên thiên nhiên và tiền bạc một cách thận trọng, quan tâm tới sự tham gia đóng góp của cả cộng đồng xã hội.
“Cần thận trọng với tài nguyên và kinh phí! Nếu chúng ta chỉ chú trọng trồng cây mới, đắt tiền, lắp trang thiết bị phức tạp tốn kém khó duy tu… thì sau một thời gian liệu có giữ được không hay sẽ nhanh bị xuống cấp?!
Hơn nữa, nâng cấp công viên, vườn hoa là vì con người nên cần có nghiên cứu về hành vi, đối tượng hoạt động, nghiên cứu điều kiện thiên nhiên khí hậu, môi trường, sự biến đổi theo thời gian, sự kiện… chứ không đơn giản là copy các ảnh mẫu dán vào bản vẽ thiết kế lòe loẹt nhưng thiếu nhân tính”, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.
TS, KTS Ngô Doãn Đức, Khoa Kiến trúc Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, đối với vườn hoa công viên nên để diện tích bề mặt đất cho tự nhiên, chỉ những nơi dùng để tụ họp, điểm dừng chân thì phủ bê tông, Hạn chế việc bê tông hóa nhiều nhất có thể.
Đường đi hay điểm dừng nghỉ nên được thiết kế các khe đất đan xen với bề mặt bê tông, gạch lát để tạo điều kiện cho cây cỏ phát triển, tăng thêm mảng xanh.
“Đặc biệt nên tăng cường màu xanh cho những công viên đã bị bê tông hóa, tính toán kỹ vị trí cần giữ, còn lại có thể phá dỡ để trồng cây, mảng cỏ”, TS, KTS Ngô Doãn Đức nói.
Năm 2024, TP Hà Nội tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa (dự kiến đạt khoảng 67% kế hoạch); đến năm 2025, dự kiến hoàn thành nốt 11 công viên, vườn hoa, đạt khoảng 91% kế hoạch. |
Thanh Hòa