Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hạnh phúc lại mỉm cười sau lần đổ vỡ

“Em từng là mẹ đơn thân, mới tái hôn được hơn 1 năm nay. Đây là cái Tết đầu tiên vợ chồng em về quê ăn Tết với nhà chồng. Thay vì những phản đối kịch liệt trước đây về quan niệm “trai tân lấy gái nạ dòng”, bố mẹ chồng đã ngóng chờ vợ chồng em dắt con riêng về quê ăn Tết từng ngày”.

Lê Thuý Hạnh (ở Thanh Hoá) tâm sự trong nghẹn ngào, chứa chan hạnh phúc trên gương mặt cô. Hạnh bảo: "Em đã từng nghĩ, hạnh phúc không thể đến với em lần nữa sau đổ vỡ cuộc hôn nhân đầu, nhưng cuối cùng kỳ tích vẫn đến. Chưa biết sau này thế nào nhưng lúc này em rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại và em tin chồng em là người đàn ông mẫu mực, vững chắc để mẹ con em có thể dựa vào cả cuộc đời này".

Hạnh phúc lại mỉm cười sau lần đổ vỡ - Ảnh 1.

Em đã từng nghĩ, hạnh phúc không thể đến với em lần nữa sau đổ vỡ cuộc hôn nhân đầu, nhưng cuối cùng kỳ tích vẫn xảy ra. (Ảnh minh hoạ)

Hạnh bỗng dõi đôi mắt xa xăm khi quá khứ chợt ùa về: "Để có được bình yên và công việc ổn định như bây giờ, em đã từng có lúc muốn gục ngã nhưng rồi phải rất nghị lực và cố gắng bội phần. Thi thoảng nhớ lại bao chuyện kinh khủng đã qua, cổ họng em vẫn nghẹn lại. Từ đáy vực sâu, em đã sống ngẩng cao đầu với tất cả, em kiếm được những đồng tiền chân chính từ mồ hôi, công sức của mình".

Hạnh kể về cuộc hôn nhân quá khứ đáng sợ nhất của cuộc đời mình. Khi ấy cô kết hôn lúc mới 18 tuổi, ước mơ vào đại học đành dang dở, nghề nghiệp không có. Quãng thời gian về nhà chồng, rồi sinh con ngay năm đầu tiên cũng là quãng thời gian địa ngục hôn nhân mà cô không bao giờ muốn nhắc lại.

Hạnh rơm rớm nước mắt: "Chỉ đến khi là vợ chồng một nhà, em mới biết mình đã chọn nhầm người. Nhưng vì đứa con trong bụng, em phải cố gắng học thêm nghề để kiếm tiền  nuôi con. Học nghề xong, em cũng xin được công việc tạm đủ nuôi thân. Khi con em được gần 2 tuổi, vào một đêm lạnh nhất của mùa đông năm ấy, 2 mẹ con đang ôm nhau ngủ thì chồng em say rượu về nhà bất ngờ lôi vợ dậy đánh đập. Em kêu khóc van xin, anh ta bảo em láo, dám cãi lại chồng, rồi đuổi em ra khỏi nhà lúc 1 giờ sáng, ngoài trời đang mưa phùn, rét căm căm".

"Em ôm con về ngoại. Bữa cơm nào của em cũng chan đầy nước mắt, vì phải nghe bố đẻ uống rượu chửi rủa, đay nghiến vì cái tội "mày bỏ chồng làm tao xấu hổ", rồi "cả họ nhà tao không ai bỏ chồng như mày…", Hạnh mím chặt môi kể tiếp.

Theo Hạnh: Em chẳng làm gì sai cả, nhìn con gái bé nhỏ, em càng xót xa, uất ức cho phận mình. Em rơi vào trầm cảm thời gian dài, không nói chuyện với ai, chăm con như cái máy không hồn vậy. Em không biết phải bắt đầu làm lại từ đâu khi mà chính bố mẹ đẻ không hiểu, không cảm thông chút nào cho con cháu mình. Quá buồn, ủ rũ chuyện gia đình, em không đủ sức khoẻ cũng như sự tỉnh táo để đi làm, đành phải nghỉ việc. Có những ngày em giam mình trong phòng từ sáng tới tối, hết khóc lại ngồi đờ đẫn. Đói quá, muốn ăn thì phải đợi lúc nào bố mẹ đã vào phòng ngủ hoặc đi ra ngoài, em mới dám xuống bếp ăn vội bát cơm nguội. Khoảng 3 tháng em sống lầm lũi như vậy, có lần nhìn con gái tha thẩn chơi, bị ngã khóc xong tự ngồi dậy chơi tiếp, em nghĩ: "Nếu mình chết đi, hay bị điên thì ai sẽ lo cho con bé?". Vậy là em quyết tâm sẽ đứng dậy để làm lại. Em lên các trang việc làm tìm việc và may mắn được nhận việc.

Hạnh phúc lại mỉm cười sau lần đổ vỡ - Ảnh 2.

Chưa biết sau này thế nào, nhưng lúc này em rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại (Ảnh minh hoạ)

Chỗ làm cách nhà 35km, ngày nào em cũng phải đi - về với con. Nhà xa mà em không có xe đi làm, nên đều đi nhờ bạn bè. Sáng nào em cũng ra đầu đường đứng chờ xem ai đi qua thì xin đi nhờ đến công ty. Con gái lớn hơn, em để con ở lại với ông bà ngoại, rồi ở trọ gần công ty để đỡ hàng xóm đỡ xì xào. Lúc đó, em chỉ có con và công việc giúp quên đi mọi chuyện buồn. Em lao vào làm, có hôm làm đến 1h sáng. Nỗ lực của em được sếp và đồng nghiệp ghi nhận. Em được tăng lương. Vậy là em có đủ tiền lương để chi tiêu, sắm sửa cho bản thân. Cứ 1 – 2 tuần em lại về thăm con, thi thoảng gửi tiền về để ông bà đóng tiền học cho con. Khi tích góp đủ, em mua được cái xe đi lại và để về với con tiện hơn.

Em không dám nghĩ đến tình yêu, cũng không còn khao khát chuyện lập gia đình lần nữa. Em chỉ muốn kiếm tiền để đón con về sống cùng, tối dạy con học, rồi 2 mẹ con đưa nhau đi chơi ngày cuối tuần. Đó là ao ước kéo dài nhiều ngày tháng nên em càng cố gắng làm việc chăm chỉ.

Vô tình em quen anh, kém em 3 tuổi. Em không nghĩ sẽ có tình cảm yêu đương với 1 người đàn ông kém tuổi, lại là trai tân. Lúc đó, anh vẫn đang học đại học. Vừa nghĩ đến thôi, em đã thấy thật viển vông, xa vời. Không ít lần em từ chối thẳng: "Yêu đương gì, tớ chỉ thích làm việc, kiếm tiền nuôi con thôi, chuyện chồng con tớ nản lắm rồi".

Càng tiếp xúc nhiều với anh, em càng thấy đó là người đàn ông chín chắn hơn so với tuổi. Anh rất chu đáo và quan trọng nhất là thương con gái của em, không một chút toan tính, so đo hay lưỡng lự nào. Anh vẫn kiên trì ở bên em động viên, sẻ chia. Anh bảo, đợi anh học xong ra trường thì 2 đứa sẽ cưới.

Tết năm ấy, anh động viên và đưa em về ra mắt cả nhà. Lúc đầu, bố mẹ anh rất quý em, nhưng sau khi biết em đã qua 1 lần đò, ông bà phản đối kịch liệt. Em cũng xác định chia tay nhưng anh vẫn không từ bỏ mẹ con em. Anh nói, em chỉ cần im lặng, còn chuyện gia đình để anh tự dàn xếp. Anh là con một, bố anh là giáo viên về hưu nên ông khá khó tính. Tuy nhiên, do anh cương quyết đòi lấy em, nếu gia đình không đồng ý, anh sẽ bỏ đi để tự lo hạnh phúc riêng mình. Cuối cùng, sau hơn 3 tháng thương thuyết, bố mẹ anh đã chấp nhận đám cưới.

Sau khi cưới, vì nhà chồng ở xa, nhà em chỉ có 2 chị em gái, hiện em gái đã đi lấy chồng xa, nên 2 vợ chồng em dọn về sống cùng bố mẹ đẻ em để tiện dậy dỗ con riêng của em học và chăm lo ông bà ngoại lúc tuổi già. Em không ngờ, chồng em lại dễ dàng chấp nhận về sống cùng với gia đình nhà vợ một cách vui vẻ như thế. Anh chăm sóc bố mẹ vợ chu đáo. Đặc biệt là anh chăm con gái em từng tí một, ân cần, cười đùa, yêu thương như con đẻ của anh. Anh sắm sửa quần áo, tối dạy con gái học bài, đưa con đi chơi, mà đến bản thân em là mẹ cũng khó chăm con bé được như vậy.

Sau khi vợ chồng em cưới nhau, bố mẹ chồng em cũng rất quan tâm và thoải mái với em, không còn định kiến, để ý gì về quá khứ của em nữa. Ông bà thường xuyên điện thoại hỏi thăm, động viên, chia sẻ để em gần gũi và hiểu gia đình chồng hơn.

Hạnh khẳng định: Em không phải đứa vô dụng nên bố mẹ em không phải xấu hổ với bất kỳ ai. Gia đình em đang đón một cái Tết đoàn viên, sum vầy, ấm cúng nhất ở gia đình chồng với rất nhiều niềm vui.