Thông tin trên báo Người lao động, tại kỳ họp này, các đại biểu đã thông qua Bảng giá đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2024 nêu tại Tờ trình 5462 ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Đây sẽ là căn cứ để Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành quyết định bảng giá đất áp dụng trong 5 năm tới.
Bảng giá đất này được dùng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt, tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại...
Theo đó, do giá đất của khung giá quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ bằng với giá quy định tại Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 nên về cơ bản, bảng giá đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2024 được xây dựng giữ nguyên các mức giá đã được quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 và Quyết định 30/2017/QĐ-UBND về điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất ở.
Theo đó, giá đất đô thị cao nhất 162 triệu đồng/m2, thấp nhất là 1,5 triệu đồng. Mức giá này không thay đổi so với giai đoạn 2014-2019. Trong đó, giá đất ở loại đô thị đặc biệt cao nhất vẫn là các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) với mức 162 triệu đồng/m2, thấp nhất là 1,5 triệu đồng/ m2.
Giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở.
Giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2...
Ngoài ra, Thành phố cập nhật tên đường đã thay đổi, đường mới, loại bỏ những tên đường, đoạn đường không còn phù hợp. Bổ sung thêm 4 loại đất chưa có trong bảng giá đất cũ là: đất trong các khu chế xuất, Kcông nghiệp, Khu Công nghệ cao; đất nghĩa trang; đất giáo dục, y tế và đất tôn giáo.
Theo quy định, khi Nhà nước thu hồi đất hoặc tính tiền sử dụng đất của doanh nghiệp làm dự án sẽ được các cơ quan chức năng thẩm định giá đất cho từng trường hợp cụ thể; trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức sẽ phải đóng tiền sử dụng đất theo hệ số điều chỉnh cho Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành hằng năm.
Tri thức trực tuyến đưa thông tin, theo Luật Đất đai năm 2013, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất này được xây dựng 5 năm 1 lần và công bố vào ngày 1/1 năm đầu tiên của chu kỳ.
Giải thích cho việc không kịp công bố bảng giá đất mới theo luật định, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, cho biết việc xây dựng bảng giá, hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với trình tự pháp lý và Luật đất đai. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và sở không kịp trình Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh tờ trình về bảng giá đất và quy định hệ số điều chỉnh giá đất trong kỳ họp trước bởi nghị định quy định về khung giá đất được Chính phủ ban hành ngày 19/12, sau kỳ họp thường niên cuối năm của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
"Đây là lần đầu tiên nghị định của Chính phủ về khung giá đất cơ bản giữ nguyên khung giá của chu kỳ cũ, việc này giúp giá đất giữ tính đảm bảo và hạn chế biến động bất thường", ông Nguyễn Toàn Thắng nhận định.
Bảng giá đất sẽ làm căn cứ tính thuế sử dụng, quản lý đất, xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và đảm bảo quyền lợi của người dân khi tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước.