Hình thành các đường dây mua bán người khép kín
Những xu thế mua bán người mới nổi trong thời gian qua bao gồm các loại tội phạm mua bán người trực tuyến, lừa đảo cưỡng bức lao động… Các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng công nghệ cao, mạng xã hội để tìm kiếm, lừa gạt nạn nhân hoặc tìm kiếm, liên lạc với người có nhu cầu mua nội tạng hoặc mua con nuôi. Bên cạnh đó cũng xuất hiện hiện tượng đưa người từ một số nước khác trung chuyển qua Việt Nam để đến nước thứ ba.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng. Nổi lên là các đối tượng lợi dụng mạng xã hội bằng các tài khoản giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài...
Các đối tượng trong nước cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín.
Một số xu thế mới như hình thức tổ chức đưa người xuất cảnh, đi lao động ở nước ngoài trái phép hoặc núp bóng các tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài để cưỡng bức lao động; bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh massage, karaoke ép bán dâm. Khi nạn nhân muốn quay về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.
Hoặc hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài để mang thai hộ, đẻ thuê hoặc mua bán bộ phận cơ thể...
Cuối năm, nhu cầu tìm việc của người lao động tăng cao. Lợi dụng điều này, các chiêu bài tuyển dụng việc nhẹ lương cao gắn mác xuất khẩu lao động sang Campuchia lại xuất hiện khắp mạng xã hội.
Vì nhẹ dạ cả tin nên vẫn có nhiều người sập bẫy. Các nạn nhân bị bóc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng và buộc gia đình phải nộp số tiền chuộc rất lớn mới được thả về nước.
Là 2 trong 7 nạn nhân được giải cứu từ vụ lừa đảo, dụ dỗ sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, anh em Thái và Đại thanh thản nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa sau buổi làm việc tại rừng cao su ở gần nhà. Trong thâm tâm, cả hai vẫn chưa quên chuỗi ngày kinh hoàng nơi đất khách 2 năm trước.
"Không biết là bị lừa sang Campuchia, bảo là một tháng được 18 - 20 triệu đồng, cho làm máy vi tính, nhắn tin Zalo để lừa đảo, nhưng em không làm được nên em xin nghỉ, bị bỏ đói cơm, xin điện về người nhà kiếm tiền để chuộc bọn em về", anh Puih Đại (nạn nhân mua bán người, Gia Lai) chia sẻ, may mắn được anh trai ở nhà làm thuê để kiếm tiền trả khoản nợ hàng chục triệu đồng chuộc em về.
Đón những người con của buôn làng trở về, chính quyền xã đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các nạn nhân được học nghề, lao động sản xuất ngay trên chính mảnh đất quê hương. Thậm chí, các thanh niên này còn là người đi tuyên truyền để người dân trong xã nhận thức rõ hơn về hiểm họa.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người
Từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm, theo số liệu của Bộ Công an, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào.
Về kết quả điều tra, xử lý, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng.
Hợp tác quốc tế đang là xu hướng tất yếu trong cuộc đấu tranh trước những mối đe dọa về an ninh của các loại tội phạm xuyên quốc gia nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng.
Thời gian qua, nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm ngăn ngừa những hành vi phạm tội có tính chất vượt ra ngoài lãnh thổ của một quốc gia.
Vấn đề hợp tác tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người bao gồm phối hợp trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, tương trợ tư pháp trong việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai, cung cấp tài liệu. Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia trong cùng khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, quy trình tố tụng và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mua bán người đặt ra yêu cầu hợp tác quốc tế với quốc gia nơi chủ thể tội phạm mang quốc tịch, quốc gia là nơi trung chuyển tội phạm.
Do đó, việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế liên quan vấn đề phòng, chống mua bán người, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.