Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Tích cực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, vừa góp phần để nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, sinh kế, hòa nhập cộng đồng, vừa đảm bảo nhân quyền, nhân văn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Chỉ tính riêng trong quý I, lực lượng chức năng đã phát hiện, thụ lý điều tra 84 vụ/223 đối tượng phạm tội mua bán người; khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng; xác định có 178 nạn nhân trong các vụ án...

Số nạn nhân được phát hiện, giải cứu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, con số nạn nhân bị mua bán được phát hiện, giải cứu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tội phạm mua bán người có nguy cơ lan rộng, lợi dụng triệt để không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, tiếp cận nạn nhân.

Đáng lo ngại là trong số hàng nghìn nạn nhân của tội phạm mua bán người được tiếp nhận, giải cứu, nhiều nạn nhân sau khi trở về gặp các vấn đề về sang chấn tâm lý, hoảng loạn, lo lắng, một số nạn nhân không được hỗ trợ chi phí đi lại, hỗ trợ học nghề,... gặp khó khăn trong hòa nhập cộng đồng.

Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán - 1
Mô hình Ngôi nhà Bình yên cung cấp dịch vụ trọn gói miễn phí cho phụ nữ là nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực gia đình, bị mua bán trở về…) (Ảnh: Hoàng Long).

Thời gian qua, thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng chống, trừng trị và trấn áp nạn mua bán người, đặt biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố biên giới đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan chức năng của Campuchia, Lào, Trung Quốc duy trì đường dây nóng, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm mua bán người, giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán. 

Đồng thời, nắm chắc tình hình, triển khai nhiều kế hoạch nghiệp vụ, phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát biên giới để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán người.

Trong 10 năm, các lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó, xác định 7.962 người là nạn nhân bị mua bán (90% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, 80% thuộc các dân tộc thiểu số). 

Đáng chú ý, trên 90% nạn nhân bị bán ra nước ngoài; gần 80% nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người bản địa và bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động.

Qua tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiếp nhận hơn 2.000 trường hợp, trong đó có 1.914 người được giải cứu, xác định là nạn nhân bị mua bán, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi 18-30, cư trú tại một số tỉnh Tây Nam Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang... 

Ngoài ra, còn một số nạn nhân là nam giới bị mua bán nhằm mục đích bóc lột sức lao động.

Nạn nhân trở về đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp

Nạn nhân bị mua bán khi được tiếp nhận, giải cứu, xác minh đều được các lực lượng chức năng hỗ trợ ban đầu và tiến hành các biện pháp bảo vệ theo quy định, tạo tâm lý yên tâm cho nạn nhân. 

Theo thống kê của các ngành chức năng, đã có gần 8.000 nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ theo quy định, tập trung tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Kiên Giang... 

100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương đã phối hợp bảo vệ, bàn giao về nơi cư trú, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ để nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Tại các địa phương, 100% nạn nhân trở về chính thức hoặc tự trở về, được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp, chủ yếu là cung cấp nơi ăn, nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hộ. Các nạn nhân còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm...

Bên cạnh các hình thức hỗ trợ nói trên, nạn nhân còn được hỗ trợ thông qua 3 hình thức. 

Thứ nhất, tại trung tâm, nhà tạm lánh dành cho nạn nhân, hình thức này được thực hiện thông qua dự án tại Lào Cai, An Giang, Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ. Các nạn nhân bị mua bán trở về được cung cấp nơi ăn nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội, được tiếp cận với các dịch vụ ngoài trung tâm để học nghề, khám, chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng.

Thứ hai, nạn nhân được hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn, như tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm để có thu nhập ổn định, hỗ trợ tín dụng...

Hình thức thứ ba là thông qua các dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật, chẳng hạn như mô hình “Nhóm tự lực” được thực hiện tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; mô hình “Kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS” tại Hải Phòng; mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm AIDS” tại Đà Nẵng... 

Các mô hình này đều được đánh giá cao về hiệu quả và thực tiễn, bước đầu giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả, đem lại thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới, một mặt, các cơ quan chức năng tiếp tục coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, mặt khác, lồng ghép ưu tiên chương trình phòng, chống mua bán người với các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tạo việc làm, vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất thấp, giúp người dân ổn định cuộc sống; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tiếp cận dịch vụ như trợ giúp pháp lý, vay vốn, học nghề, tạo việc làm...

Với những chính sách hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân của tội phạm buôn bán người nhanh chóng được trở về đất nước, với gia đình, tạo điều kiện cho nạn nhân sớm ổn định cuộc sống là nhưng thành quả được cộng đồng trong và ngoài nước quan tâm, đồng tình, ủng hộ.