Quá trình chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân luôn đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cá nhân tham gia.
Theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân.
Tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, du lịch, thăm thân hoặc lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt.
Thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng còn diễn biến phức tạp; cách thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Trẻ em, người chưa thành niên tiếp tục là mục tiêu mà tội phạm nhắm tới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác phòng chống, mua bán người ở Việt Nam còn nhiều thách thức và nhiều việc phải làm, nhất là về hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực...
Nhằm đảm bảo quá trình hỗ trợ và phối hợp liên ngành giữa các đơn vị tổ chức diễn ra nhanh chóng, kịp thời, theo cơ quan chức năng, rất cần có sự hướng dẫn cụ thể giúp các đơn vị liên quan nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của mình trong quá trình chuyển tuyến, từ đó phối kết hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan và hỗ trợ nạn nhân tốt hơn.
Việc ứng phó nạn mua bán người và cách tiếp cận nạn nhân trong xác định, chuyển gửi nạn nhân và công tác đào tạo cán bộ tuyến đầu là rất quan trọng. Trong đó có phương pháp tiếp cận toàn diện, phối hợp thực thi pháp luật, cơ chế phối hợp trong phòng chống, hỗ trợ cho người bị buôn bán.
Để tăng cường phối hợp liên ngành hiệu quả, các bộ ngành liên quan cũng đã ký kết quy chế phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Quy chế phối hợp nhằm tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân một cách chủ động, hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Đảng và nhà nước luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cần tập trung triển khai quyết liệt.
Công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, tuy nhiên, đây là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lực lượng, nhiều quốc gia trong khi phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người rất tinh vi, xảo quyệt.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tại Quy chế, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người, tăng cường hợp tác quốc tế và hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.
Việc ký kết này là dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung của các cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền, lợi ích của nạn nhân bị mua bán.
Bà Park Mi-Hyung, Trưởng phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam cho rằng, việc ban hành quy chế phối hợp là nỗ lực rất đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
Bà Park Mi-Hyung khẳng định, quy chế phối hợp là thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân bị mua bán, đồng thời khuyến nghị trong quá trình triển khai Quy chế phối hợp, các bộ cần tăng cường phối hợp, trao đổi với các bên liên quan, chẳng hạn như các doanh nghiệp và cơ quan chức năng ở địa phương, để bảo đảm triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Những năm qua, Việt Nam làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người và việc cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam trong Báo cáo TIP năm 2024 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là minh chứng sống động cho những nỗ lực đó.