Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xây dựng hệ thống pháp luật mạnh để bảo vệ nạn nhân bị mua bán

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Phòng, chống mua bán người, cũng như hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Việt Nam và các nước trên thế giới quan tâm, đẩy mạnh triển khai.

Bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất

Chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người thời gian, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, cùng với việc ban hành Luật phòng, chống mua bán người và các luật có liên quan, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc; thỏa thuận, tuyên bố, bản ghi nhớ của ASEAN, các nước trong khu vực; hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan. 

Ngoài ra, Việt Nam có nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý; tăng cường hợp tác song phương, đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Các bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế, còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. 

Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã tăng cường quy định về tội mua bán người theo hướng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Đây là những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc thiết lập một khung pháp lý chuyên biệt nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người.

Các công cụ pháp lý này không chỉ xác định rõ các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người, còn quy định về việc bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân mua bán người, từ việc giáo dục cộng đồng đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý, tâm lý xã hội.

Xây dựng hệ thống pháp luật mạnh để bảo vệ nạn nhân bị mua bán - 1
Lực lượng công an phối hợp giải cứu 36 nạn nhân người Việt Nam bị lừa bán sang Lào về nước (Ảnh: Công an cung cấp).

Với những nỗ lực trên, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023), Việt Nam phát hiện, điều tra khoảng trên 2.400 vụ mua bán người/3.800 đối tượng, 5.700 nạn nhân. 

Tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi...

Tuy nhiên, tội phạm mua bán người ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự cho thấy, 6 tháng đầu năm, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người/78 đối tượng, 103 nạn nhân. Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ, làm quen trực tiếp, các đối tượng phạm tội có xu hướng chuyển sang sử dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trên internet để tiếp cận nạn nhân. 

Số vụ phạm tội mua bán người chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số vụ án về trật tự xã hội được phát hiện, khởi tố, điều tra hằng năm nhưng có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức và xuyên quốc gia...

Là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, ngành

Lực lượng Cảnh sát hình sự luôn xác định rõ, thực hiện công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Cảnh sát hình sự là nòng cốt, đi đầu, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, phấn đấu giảm tội phạm mua bán người và tạo chuyển biến rõ rệt về phòng, chống loại tội phạm này.

Đơn cử, Điện Biên là tỉnh miền núi nghèo, có đường biên giới tiếp giáp hai nước Lào và Trung Quốc, với 19 dân tộc cùng sinh sống. Do trình độ dân trí không đồng đều, lợi dụng những đặc điểm này, thời gian qua, tại Điện Biên, các đối tượng xấu thực hiện hành vi mua bán người với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Câu chuyện của chị Lò Thị P là một ví dụ. Do có nhu cầu việc làm, chị Lò Thị P, trú bản Bó, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên suýt trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Chị P kể lại, sau Covid-19, với mong muốn có việc làm nên chị lên mạng xã hội vào trang giới thiệu việc làm để tìm kiếm cơ hội. 

Thông qua Zalo, có người không rõ thân nhân rủ chị xuống tỉnh Vĩnh Phúc làm bánh kẹo nên chị và chồng cùng đi. Xuống bến xe khách ở Vĩnh Phúc, vợ chồng chị được xe ôm đón, đưa đi qua nhiều tuyến đường đất dẫn đến một khu nhà trọ nằm xa khu dân cư.

Tại đây, vợ chồng chị bị các đối tượng tách ra ở riêng với hai dãy trọ dành cho nam, nữ. Hằng ngày, các đối tượng đều giám sát hai vợ chồng 24/24 giờ nhưng khi hỏi về công việc thì không thấy đâu. Biết bị lừa nên hai vợ chồng chị cố gắng tìm cách và may mắn đã thoát thân.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Điện Biên), trước đây, nạn nhân mà các đối tượng mua bán người nhắm đến là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trẻ em để bán sang Trung Quốc; sau Covid-19, tội phạm mua bán người có sự chuyển hướng hoạt động. Nạn nhân mà các đối tượng hướng đến đa dạng hơn, tập trung chủ yếu là thanh, thiếu niên, người trong độ tuổi lao động.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự sẽ triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, tập trung phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người; phối hợp các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó lồng ghép truyền thông chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người.