Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, nhiều chị em đã có việc làm với thu nhập cao và là những nhân tố tiếp tục lan tỏa, hỗ trợ nghề nghiệp cho các chị em yếu thế khác trong cộng đồng.

Đa dạng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế 

Mới đây, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) tổ chức sự kiện truyền thông ý nghĩa mang tên: “Bữa sáng Ruy băng trắng” năm 2024 với chủ đề "Phụ nữ làm chủ kinh tế - làm chủ cuộc đời" nhằm tăng cường kết nối nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ di cư hồi hương.

"Bữa sáng Ruy băng trắng" lần đầu tiên được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức ở Việt Nam năm 2015 trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ Úc và đã được duy trì, nhân rộng ở nhiều tổ chức, địa phương trong cả nước. 

Chiến dịch “Ruy băng trắng” là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nhấn mạnh, những năm qua, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hoặc trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. 

Đây là một giải pháp căn cơ, vừa góp phần ngăn ngừa vấn đề lao động di cư mất an toàn, vừa giúp đỡ những nạn nhân của mua bán trở về tái hòa nhập xã hội bền vững; kêu gọi sự chung tay hỗ trợ tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về, có nguy cơ bị mua bán để phòng ngừa và giảm thiểu hậu quả mua bán người. 

Để giúp chị em phụ nữ bị mua bán tái hoà nhập cộng đồng, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cũng đã tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về quyền năng kinh tế của phụ nữ như: tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối, giới thiệu mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; tổ chức các khóa tập huấn kiến thức về kinh doanh, tài chính, khởi sự doanh nghiệp, đi kèm với chương trình cố vấn kèm cặp bởi các chuyên gia.

Nhiều chị em là nạn nhân mua bán trở về có việc làm, thu nhập cao

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam những năm qua đã thực hiện rất nhiều hoạt động cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân mua bán người thông qua các mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, mô hình Trung tâm một điểm đến hỗ trợ người di cư (OSSO).

Đó là Nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình yên của trung tâm đã trở thành điểm tựa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm bị mua bán trở về. Mô hình nhà tạm lánh này đã cung cấp dịch vụ toàn diện, miễn phí và đồng bộ cho đối tượng bị mua bán trở về từ năm 2007.

Sau 17 năm hoạt động, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận hơn 1.700 phụ nữ, trẻ em, trong đó có gần 500 nạn nhân mua bán người. Trong những năm gần đây, trung tâm không chỉ hỗ trợ tạm lánh an toàn, bình ổn tâm lý, hỗ trợ về y tế, pháp lý... cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán, mà còn tích cực hỗ trợ tạo việc làm cho các chị em thông qua tư vấn nghề nghiệp, kết nối đưa chị em đi học nghề, tạo việc làm hoặc hỗ trợ khởi sự - khởi nghiệp kinh doanh. 

Với sự hỗ trợ của trung tâm, nhiều chị em đã có việc làm với thu nhập cao và là những nhân tố tiếp tục lan tỏa, hỗ trợ nghề nghiệp cho các chị em yếu thế khác trong cộng đồng.

Đến nay, Ngôi nhà bình yên có 3 cơ sở (2 cơ sở tại Hà Nội, 1 cơ sở tại Cần Thơ). Dự kiến, sẽ mở thêm 1 cơ sở tại Quảng Bình; tiếp nhận và hỗ trợ 1.704 phụ nữ và trẻ em đến từ 56 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số. 

Nâng cao đời sống của các cộng đồng nguy cơ cao là nạn nhân mua bán

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về - 1
Hỗ trợ giống vật nuôi cho người dân (Ảnh: Tổ chức Blue Dragon cung cấp).

Mô hình khác cũng nổi lên là một điểm sáng cần nhân rộng, đó là hoạt động của tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon) được hình thành từ năm 2004 với sứ mệnh chấm dứt nạn mua bán người ở Việt Nam. 

Để đạt được mục tiêu đầy thách thức này, Blue Dragon hợp tác với các cơ quan, tổ chức trên khắp Việt Nam để triển khai một cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết tội phạm này trên mọi mặt trận.

Trưởng nhóm Quan hệ báo chí của tổ chức Trẻ em Rồng Xanh Carlota Torres Lliro chia sẻ, ngoài giải cứu, tiếp nhận, cung cấp cho các nạn nhân bị mua bán người những thứ cần thiết để chữa lành, phục hồi và phát triển, đơn vị còn tập trung công tác phòng ngừa mua bán người.

Việc phòng ngừa này được thông qua các sáng kiến có quy mô lớn, nâng cao đời sống của các cộng đồng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân mua bán người thoát khỏi nghèo đói. Đồng thời, cung cấp các công cụ, kiến thức và nguồn lực để họ tự bảo vệ mình.

Trong 20 năm qua, Blue Dragon đã hỗ trợ hơn 2.500 người là nạn nhân của mua bán người. Trong số đó, có 848 người là trẻ em tại thời điểm giải cứu, 2.039 phụ nữ và 498 nam giới.

Với các hoạt động này, trong năm 2023, hơn 15.000 người dân tộc thiểu số tại nhiều bản làng đã nâng cao hiểu biết về nạn mua bán người, học cách tự bảo vệ mình cũng như báo cáo các trường hợp khả nghi. Theo đó, đã xác định được 10 người dân là nạn nhân của mua bán người. Tất cả các nạn nhân được giải cứu, được đưa trở về nhà an toàn.

Song song, Blue Dragon còn thường xuyên liên lạc với Bộ đội Biên phòng, phối hợp cung cấp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán sau khi hồi hương; đã có hơn 300 gia đình nhận được hỗ trợ con giống từ ngân hàng vật nuôi của tổ chức và Hội Phụ nữ phát triển kinh tế, nguồn thu nhập ổn định…

Với những nỗ lực không mệt mỏi đó, đường về của những nạn nhân bị mua bán đã là con đường của yên ấm và ổn định, trong sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng và cộng đồng.