Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Học Bác làm báo thời công nghiệp 4.0

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” hàm chứa sự thay đổi lớn lao, toàn diện không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, trong đó có báo chí truyền thông. Sản phẩm báo chí được trình bày bằng sản phẩm thông tin đồ họa và các loại hình báo chí đa phương tiện, các video, clip livestream trên mạng xã hội hay các bản tin rap news… Các nền tảng này được xây dựng dựa trên mạng dịch vụ, dữ liệu và sự sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ  của con người.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với báo chí

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được phát triển dựa trên 3 trụ cột chính đó là vật lý, công nghệ sinh học và kỹ thuật số. Là cuộc cách mạng công nghệ tiên tiến, được đánh dấu bởi sự kết hợp giữa các công nghệ như: Robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, in 3D và nhiều lĩnh vực khác.

Đối với báo chí, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống nhúng, hệ thống tự động hóa, hệ thống mạng cảm ứng, hệ thống thời gian thực và công nghệ in 3 chiều, 4 chiều… 

10.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mở ra vô vàn thời cơ cũng như thách thức đối với báo chí.

Đó là sự xuất hiện của nhiều giải pháp sáng tạo, phi truyền thống, tận dụng sức mạnh công nghệ để cải tiến mô hình tác nghiệp, phương thức truyền tải thông tin, kỹ năng làm báo hiện đại, như chuyển đổi mô hình báo chí truyền thống sang mô hình báo chí điện tử; thiết lập tòa soạn hội tụ; ứng dụng công nghệ đa phương tiện để đổi mới hình thức và nội dung báo chí. 

Giờ đây tác phẩm báo chí bao gồm cả chữ viết, video, ảnh động, file âm thanh, đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới. Thông tin về các sự kiện tràn ngập internet và mọi người đều có cơ hội tiếp cận nguồn tin tức khổng lồ, hầu hết đều miễn phí.

Chính những đổi thay trong cách tiếp nhận nguồn thông tin của độc giả, gây áp lực lớn, buộc báo chí phải đứng trước những thay đổi sâu rộng, to lớn nếu không muốn bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau.

Trong bối cảnh internet, mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, mọi người không còn ràng buộc bởi tin tức do báo chí chính thống cung cấp mà họ tự tạo ra tin. Công chúng trở thành nhà truyền thông cho chính họ và cộng đồng mà họ chia sẻ ý tưởng.

Bên cạnh những lợi thế của thời đại thông tin số mang lại cho sự phát triển của báo chí thì nhà báo cũng như các cơ quan báo chí phải đương đầu với thách thức số hoá và sự mất quyền độc tôn là người “gác cổng” thông tin trong xã hội. 

 Để trở thành kênh thông tin được lựa chọn, tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với mạng xã hội, với vô vàn tin giả, tin chưa được kiểm chứng, báo chí phải có giá trị thông tin, thông tin được xác minh, kiểm chứng và toàn cảnh. Như vậy, cơ quan báo chí phải đi đầu và có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác để có thể cạnh tranh với mạng xã hội về tính pháp lý, độ tin cậy của thông tin.

Học Bác làm báo 

Văn hóa số dần được hình thành trên lộ trình chuyển đổi số đòi hỏi mỗi đơn vị báo chí và nhà báo phải không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng nội dung, hình thức sản phẩm báo chí. Nhà báo phải sống lành mạnh, trong sáng, không được vụ lợi và làm trái pháp luật. Phẩm chất quan trọng của người làm báo là sự trung thực.

Trung thực với nguồn tin, khách quan và tôn trọng sự thật. Bác Hồ thường đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều có động cơ trong sáng, khách quan; không thể viết báo vì mục đích cá nhân, ích kỷ. Khi tác nghiệp phải khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật, không cắt xén, cường điệu, xuyên tạc.

Viết phải thiết thực kịp thời, “nói có sách, mách có chứng”. Bác Hồ coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động báo chí.

Người nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”; “Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật, không được bịa ra… Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại… Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”.

Do vậy, người làm báo không chỉ cần rèn kỹ năng khai thác sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ mà còn cần tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, hiểu biết, vốn nghề, xác định tâm thế dấn thân. Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. “Bài báo là tờ hịch cách mạng”.

Cho nên điều đầu tiên mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? Từ đó tự trả lời: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc.

Người căn dặn: "Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được".

Hơn ai hết, mỗi nhà báo, phóng viên phải đề cao trách nhiệm và sứ mệnh của mình với xã hội, nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp để báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các ứng dụng, nền tảng trực tuyến, mạng xã hội… các cơ quan báo chí và nhà báo buộc phải thay đổi. Trước hết là thay đổi tư duy để vận dụng tốt những tiến bộ khoa học công nghệ xen lẫn yếu tố con người, làm chủ phương tiện, làm chủ “cuộc chơi số”.

Muốn cạnh tranh mạnh mẽ với mạng xã hội, báo chí phải cùng lúc đạt được 3 yếu tố: Có chất lượng cao (tính xác thực, trung thực, độc lập cao), thông tin có giá trị và thông tin được kiểm định. Do đó cơ quan báo chí phải đi đầu và có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác.

Sứ mệnh tiên phong, hướng tới 100 năm báo chí cách mạng

Phát huy truyền thống 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, bước vào kỷ nguyên số, cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo sẵn sàng đón nhận thách thức, đồng hành cùng xu thế để lớn mạnh và trưởng thành, đồng thời vẫn giữ lửa của báo chí cách mạng. 

Tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Báo chí thực hiện sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân; bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, để phản ánh, đồng hành, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược của Đảng đã đề ra.  

Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội, đóng góp đắc lực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam, giữ gìn bản sắc dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. 

Phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch.

Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; lên án  tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phản bác thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ngăn chặn tuyên truyền xấu độc, chống phá trên mọi lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông số, mạng xã hội của các thế lực thù địch. Làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Tích cực góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, phấn đấu 100 năm xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp nhân văn, hiện đại, mỗi nhà báo cần thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Người để vận dụng vào cuộc sống và hoạt động nghiệp vụ, xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân xây dựng đất nước thời đại Hồ Chí Minh dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Trần Công Huyền 

Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6