Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khám phá đời sống Hà Nội qua “Chuyện phố”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Những câu chuyện văn hóa đô thị của Hà Nội đương đại, số phận “ba chìm bảy nổi” của những con người từ nhiều vùng miền đến chốn kinh kỳ mưu sinh đã được tác giả Phạm Quang Long tái hiện sinh động, gần gũi trong tiểu thuyết “Chuyện phố” vừa ra mắt bạn đọc.

Nhà văn Phạm Quang Long đầy trăn trở với những vấn đề thế sự của đất nước trong những chuyển động và thay đổi, thao thiết với những câu chuyện làng quê từ quá khứ đến hiện tại. 

Nhưng trong “Chuyện phố”, một Phạm Quang Long rất khác, đầy chiêm nghiệm khi ông xâm nhập và thấu hiểu đời sống đô thị, hình dung con người và đời sống đô thị qua một không gian đặc biệt - không gian phố cổ, qua câu chuyện về những con người vốn quen thuộc với ông trong nhiều năm tháng ở trường Đại học Tổng hợp.

Chuyen pho.jpg
Bìa cuốn tiểu thuyết “Chuyện phố”.

 “Chuyện phố” được các nhà phê bình đánh giá là tác phẩm đáng đọc với thế giới nhân vật phong phú, độc đáo, với góc nhìn nhân văn sâu sắc. Nói về tác phẩm của mình, nhà văn Phạm Quang Long cho biết, ông viết và nhìn theo thế hệ các thầy cô của ông và đó mãi mãi là những hình ảnh đẹp nhất ông đã bám vào đó để sống, làm việc... và bây giờ ông viết gửi tri ân đến các thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè.

“Chuyện phố” của Phạm Quang Long có hai mảng, thứ nhất là mảng nông thôn nơi tác giả sinh ra; thứ hai là mảng thành phố nơi tác giả sống và “lăn lóc” trong môi trường đó.

Từ chuyện làng đến chuyện phố, tác giả đã đem đến cho người đọc những kiến giải sâu sắc và gửi gắm triết lý nhân sinh độc đáo về làng, về phố.

Trong đó, “Chuyện phố” nhuốm màu sắc lịch sử, nó là sự ngoái lại của một giai đoạn Hà Nội, khi những giao cảm xã hội chuyển từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường.

Hà Nội trong “Chuyện phố” với góc nhìn của tác giả về một đô thị cổ và một Hà Nội thứ hai ngay trong gia đình ông Mưu - người Hà Nội gốc, sinh sống ở phố cổ từ thời chiến tranh đến khi hòa bình.

Diễn biến chính của tiểu thuyết tập trung vào cuộc sống của gia đình ông Mưu thời đổi mới, diễn ra trong khoảng chục năm sau năm 1986. Nền tảng văn hóa truyền thống của gia đình ngày một rạn nứt khi mâu thuẫn, xung đột xuất phát từ những hằn học và mưu toan của những người con, dẫu ở chung một nhà song ứng xử lại mỗi người mỗi khác và chẳng thể có tiếng nói chung, còn ông Mưu thì chẳng thể dung hòa được mối quan hệ giữa các con.

Ngôi nhà như một điểm để từ đó nhìn ra thành phố tập hợp những con người với đủ nghề khác nhau giống như một bức tranh đô thị đa chiều.

Theo PGS, TS Phạm Thành Hưng, “Chuyện phố” là một mạng lưới được đan kết bằng hàng trăm nút thắt của những câu chuyện nhỏ, những tiểu mô típ lý thú, giàu kịch tính.

Các nhân vật tuy không được chú ý khắc họa về ngoại hình, nhưng được chú trọng nhiều về phương diện tính cách, đặc biệt là lối sống với những trăn trở của riêng mình.

“Chuyện phố” hiện ra một bức tranh ghép của những mảnh vụn phố xá Hà Nội mà ở đó, tác giả Phạm Quang Long bằng lối hành văn đối thoại đã đặt nhân vật trong tâm trạng bức bối, ít hành động, phần lớn là “làm ít, nói nhiều” để từ đó các vấn đề được đặt ra bàn thảo đều chuyển hóa thành các câu chuyện.

Nhiều câu chuyện không diễn ra tuần tự theo cấu trúc thời gian mà được rút gọn, tổng hợp thành một vấn đề mang ý nghĩa cấp thiết khiến người đọc phải suy ngẫm.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, "Chuyện phố" là một tự sự về đô thị đương đại và cũng là tự sự về văn hóa đương đại.

Tác giả Phạm Quang Long đã nói về vấn đề văn hoá từ cái nhìn của một người ở làng đến cái nhìn ở một người trí thức sống ở thành thị và cả cái nhìn của một người đã quản lý văn hoá ở một thành phố là Thủ đô của đất nước.

“Tác giả nói chuyện làng chỉ là cái địa bàn làng, chuyện phố chỉ là cái địa bàn phố nhưng anh đã phổ vào đó những vấn đề còn đang giăng mắc, đan xen. Tất cả đều là những trăn trở, đau đớn và một phần nào đó còn là sự hiến kế văn chương của Phạm Quang Long trong công cuộc chấn hưng văn hoá hiện nay”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Vũ Hà